Thứ nhất, bạn nên cụ thể hóa ý tưởng và những chức năng cần thiết cho website của mình từ đó chọn lựa ra công ty nào có thể đáp ứng được những nhu cầu đó của bạn. Bạn có thể tham khảo những website trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh để xem họ có những chức năng nào và hoạt động ra sao. Bạn cũng nên tham khảo các bài viết liên quan đến việc xây dựng và quảng bá website nhằm tìm ra những chức năng nào mà website của bạn cần nhất, sau đó sẽ tìm kiếm và liên hệ với những công ty có thể đáp ứng được những nhu cầu đó của bạn. Tôi đã phải làm lại website đầu tiên của mình sau khi phát hiện ra rằng nó không được tối ưu hóa trên các công cụ tìm kiếm và không đủ những chức năng cần thiết cho khách hàng sử dụng.
Thứ hai, bạn nên đánh giá thật đúng những khách hàng cũ của công ty thiết kế xem liệu website của họ có cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc có cùng chức năng với website của bạn không. Mỗi lĩnh vực kinh doanh sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau, do đó việc thiết kế website cũng đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau. Ví như một website du lịch bao giờ cũng khác chức năng với một website ngân hàng. Một website của cơ quan chính phủ chưa chắc đã đòi hỏi nhiều chức năng như một website thương mại điện tử. Chính vì thế mà bạn hãy xem xét kỹ các khách hàng cũ của công ty thiết kế để chọn ra công ty nào phù hợp nhất cho lĩnh vực kinh doanh và website của mình. Một lần, tôi đã chọn một công ty mà khách hàng của họ là những tổ chức lớn, tuy nhiên, tôi đã thất vọng khi họ không thể đáp ứng được các chức năng mà website tôi cần. Sau khi xem xét lại những khách hàng cũ của họ một lần nữa thì tôi mới nhận ra rằng mặc dù họ lớn nhưng website không có chức năng nào phức tạp và giống với website của tôi.
Thứ ba, bạn nên chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng với công ty thiết kế. Rất nhiều công ty thiết kế ở Việt Nam không thực hiện đúng như họ đã cam kết với bạn về chức năng cũng như tiến độ hoàn thành website. Họ sẽ có những lý do không thể nào chấp nhận được như “chúng tôi quá bận” hay “chúng tôi đang có dự án mới, lớn hơn…”. Tôi đã chờ đợi gần 6 tháng trời để nhận được một website không thỏa mãn được những yêu cầu của mình trong khi đó cam kết của công ty thiết kế là hoàn thành trong 30 ngày. Chính vì thế khi ký kết hợp đồng với công ty thiết kế, bạn phải đề cập đến chính sách phạt chậm tiến độ và số tiền phạt phải đủ lớn để yêu cầu công ty thiết kế hoàn thành đúng tiến độ cho bạn, nếu không bạn sẽ ngừng cũng không được mà tiến cũng không xong. Chế độ phạt mà tôi đã ký với công ty thiết kế trên là 0,1% tổng giá trị hợp đồng, vì thế mà có phạt họ bao nhiêu lần đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có kết quả!
Thứ tư, bạn nên biết thế nào là sản phẩm “đóng gói”. Nếu công ty thiết kế ký hợp đồng với bạn và trong hợp đồng đề cập rằng họ sẽ bàn giao toàn bộ sản phẩm hoàn thiện đã được “đóng gói” thì có nghĩa rằng bạn sẽ không thể sửa chữa hay nâng cấp website của mình mà không phải nhờ đến họ. Lý do đơn giản là họ không muốn người khác biết đến những gì họ đã làm (code) trong khi đó trên thế giới có hàng trăm mã nguồn mở miễn phí cho tất cả mọi người. Chính vì thế, nếu như bạn muốn chủ động trong việc quản lý, duy trì và phát triển website của mình thì yêu cầu công ty thiết kế phải cung cấp đầy đủ các quyền truy cập cũng như toàn bộ hệ thống website của mình. Hy vọng rằng với những kinh nghiệm trên, ít nhất bạn đã có thể chọn ra được công ty thiết kế nào phù hợp cho công việc kinh doanh của bạn. Chúc bạn thành công!
Nguồn sưu tầm: Saga