-…Tôi gọi đây là lời…chưa kết, bởi chuyện vạch mặt những kẻ ác, cái ác còn gian nan lắm. Vì ngoài việc trực tiếp làm điều ác với một thầy giáo chính trực tại một ngôi trường, ở một địa phương rành rành đó thì sự thỏa thuận với cái ác, cái xấu trên bình diện rộng hẳn còn lớn hơn nhiều…
“Cô lập tuyệt đối, chỉ có những ánh mắt thông cảm, thương hại”. Đó là cảm xúc, tâm trạng, hoàn cảnh mà thầy Đỗ Việt Khoa đã và đang trải qua trong chính môi trường sư phạm, nơi mình dạy học. Ra đường hay về nhà, thầy Khoa và gia đình còn bị đe dọa, bị hành hung. Nỗi cay đắng tận cùng vì làm…người tốt ấy, tôi đồ rằng do chính những người “nhân danh…” gây ra.
Từ chuyện của thầy Khoa
Chúng ta đã quá quen với cái tên Đỗ Việt Khoa- “Người đương thời” dám “một mình chống tiêu cực” trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nào, và nay lại “đơn thương độc mã” tiếp tục. Tôi đồ rằng còn rất, rất nhiều thầy cô vẫn có tinh thần Đỗ Việt Khoa trong mình. Tôi đồ rằng nhiều người trong họ cũng từng lâm cảnh “một mình chống mafia”. Và tôi đồ rằng, nhiều kết quả buồn đã diễn ra…
|
Nguồn ảnh: Corbis |
Khi nói về cái xấu, cái ác trong ngành giáo dục bằng một khái niệm cụ thể, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã từng gọi những lãnh đạo, đồng nghiệp thiếu tâm đức của mình là những kẻ “đội lốt giáo viên”…Những người dám thách thức, mạt sát và thậm chí là đe dọa thầy trước mặt các đồng nghiệp, học trò, người thân. Thành tích chống tiêu cực năm 2006 ngày nào khiến thầy trở thành một tấm gương về đạo đức làm thầy thì nay, tiếc thay, nó lại là gánh nặng, là nỗi cay cực của thầy.
Sự trù dập một cách tinh vi của những người có thẩm quyền tại cơ sở, sự lạnh nhạt, xa lánh của đồng nghiệp vì sợ liên lụy...Liệu có phải có một “thỏa thuận ngầm” hữu ý và vô tình nào đó mà cái ác, cái xấu, cái chưa tốt, cái đớn hèn đang nắm đằng cán? Lúc ấy, số phận những người có lương tâm, có tư cách người thầy như Đỗ Việt Khoa rất dễ dàng chỉ có một con đường: bị “bắn” khỏi “guồng quay” bằng nhiều cách.
Trong đời sống thường nhật, vợ con thầy Khoa sẽ công tác, học tâp sao đây khi bị liên lụy với hệ quả chống tiêu cực của người chồng, người cha. Họ đã và sẽ còn sống trong sợ hãi khi những kẻ vô lương cứ dọa “thịt”, dọa “giết cả nhà”, cô lập, và có thể hành hung họ ở mọi nơi, mọi lúc. Cái kết cục “không chốn dung thân” phải chăng là kết cục tất yếu cho người tốt dám đấu tranh ngay giữa xã hội này?
Đau đớn và phẫn nộ quá!
Người viết bài này tự đặt câu hỏi, ai đã dung dưỡng cho những người táng tận lương tâm lộng hành như chốn không người ngay giữa đất kinh kỳ nghìn năm văn vật trong một thời gian dài? Đất nước chúng ta trọng “đạo học”, “đạo làm người”, sao có thể để hiện trạng cái ác nhân danh hoành hành ngang ngược đến vậy? Nhờ Internet, nhờ báo chí, nhờ dư luận mà chúng ta biết một thầy giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực, bị trù dập như thế thì trước đây còn có bao nhiêu thầy Đỗ Việt Khoa như thế nữa?
Câu hỏi đơn giản này không hiểu có được những người đứng đầu ngành giáo dục suy ngẫm và trả lời?
|
Nguồn ảnh: Gettyimages |
Đến việc cái ác ngụy danh
Dù nghe tin Bộ Giáo dục và đào tạo đã cam kết, đã cử thanh tra xuống để kiểm tra, bảo vệ thầy Khoa mà không ít người tốt trong xã hội còn thấy lo và hoài nghi quá…
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói rằng mình biết việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị lăng mạ, hành hung và cướp tài sản, đã được công an huyện Thường Tín (Hà Nội) điều tra qua báo chí. Bộ trưởng cũng khẳng định khi thấy đơn từ của thầy Khoa về việc này, Bộ GD và ĐT sẽ vào cuộc ngay.
Thú thật, tôi rất băn khoăn…Nên biết rằng chính thầy Khoa là người đầu tiên công khai dám đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử năm nào, để từ ngọn lửa dũng cảm ấy, mà Bộ GD và ĐT mới nhóm lên cuộc vận động “Hai không”. Với hành động chính trực này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã cấp bằng khen cho thành tích chống tiêu cực của thầy Khoa.
Nhưng “hậu tố cáo”- từ năm 2007 đến nay, “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa bỗng dưng…hết thời, khi liên tiếp bị trù dập, đe dọa, bị tấn công và màn “cướp” máy ảnh tại nhà cùng lá đơn tố cáo 10 trang lên Bộ GD và ĐT gần đây mới chỉ là giọt nước tràn ly. Nói là giọt nước tràn ly bởi trong suốt thời gian dài, những mâu thuẫn xoay quanh câu chuyện thầy Đỗ Việt Khoa đã "dám" đấu tranh chống tiêu cực cứ tích tụ mà ở trung tâm của sự đối đầu giữa cái thiện, cái ác, cái tốt cái xấu đó, thầy Khoa luôn là người cô thế.
Tôi đồ rằng sự phi lý và phi nhân văn kia tồn tại được và tồn tại dai dẳng bởi những người “đội lốt giáo viên”, cụm từ mà thầy Khoa từng chua chát nhận định. Liệu sẽ có ai bị chỉ đích danh trong "vụ án Người đương thời” đây?
Vì từ khi tố cáo tiêu cực đến lúc trở thành “Người đương thời” và rồi lại bị tiêu cực…đè đầu nặng hơn lần trước, liệu thầy Khoa có ngã lòng không? Liệu những “Đỗ Việt Khoa” khác, trên nhiều lĩnh vực khác có ngã lòng không? Tôi mong là không, vì nếu những người tranh đấu miệt mài cho mục đích cuối cùng Chân- Thiện- Mỹ mà ngã lòng thì còn chi nữa mà hy vọng?
|
Nguồn ảnh: Corbis |
Nhưng nếu tỉnh Hà Tây (cũ) và một phần Hà Nội bây giờ từng tự hào với văn hóa xứ Đoài sâu lắng mà còn tồn tại một ngôi trường (hay biết đâu nhiều ngôi trường) như Trường THPT Vân Tảo thì nghĩa là còn nhiều, nhiều nữa những ngụy danh, những nhân danh…đáng sợ.
Từ “vụ án Người đương thời” với chỉ một thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở một Trường THPT Vân Tảo, để nhìn lại cả một nền giáo dục. Từ chuyện nhìn lại nền giáo dục để nhìn lại các ngành khác, nhìn lại cả xã hội. Tôi không thuộc tuýp người bi quan, nhưng chỉ vơí góc độ cá nhân mà nhìn thôi đã thấy âu lo và…hoang mang quá.
Lời…chưa kết
20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày tôn vinh những người thầy cao quý đã hết mình cho nền giáo dục có thêm một ý nghĩa.
Vì người thầy chân chính không có một ước mong nào cao quý hơn là chỉ mong những lứa học trò của mình lớn khôn- học để làm người, theo đúng nghĩa.
Vì người thầy chân chính không bao giờ cúi đầu trước cái ác, cái xấu như tấm gương của thầy đồ Chu Văn An ngày xưa đã từng dâng Thất trảm sớ vạch tội- xin chém bảy tên gian thần thời vua Trần Dụ Tông.
Vì người thầy chân chính không bao giờ ngừng việc làm đẹp cuộc đời dẫu bằng cách “một mình chống mafia”, dẫu khốn đốn sau bao lần bị đe dọa, trù dập, hành hung như thầy Đỗ Việt Khoa của hôm nay.
Vì thế, tôi gọi đây là lời…chưa kết bởi chuyện vạch mặt những kẻ ác, cái ác còn gian nan lắm. Vì ngoài việc trực tiếp làm điều ác với một thầy giáo, tại một ngôi trường, ở một địa phương rành rành đó thì sự thoả thuận với cái ác, cái xấu trên bình diện rộng hẳn còn lớn hơn nhiều.
Hãy tạm gọi là lời chưa kết vậy, vì cuộc đấu tranh chống tiêu cực của thầy Khoa đã có “cái kết” có hậu nào đâu?
|