Các tờ báo lá cải của Murdoch từ lâu vẫn phơi bày hành động sai trái của người khác bằng các bức ảnh gây sốc và những tiêu đề mỉa mai. Nay, một trong những ông trùm khét tiếng của giới truyền thông thế giới đang hiểu được cảm giác khi bị bủa vây trong scandal của chính mình.
"Có cảm giác rằng Murdoch đã là vua của thế giới trong quá lâu và đã đến lúc ai đó lôi ông ta trở lại mặt đất", Mungo MacCallum - một phóng viên chính trị từng làm việc cho tờ báo The Australian mà Murdoch sở hữu - nhận định.
Nhưng không ai đòi mở họp báo để khai thác rắc rối của Murdoch. Kể cả các đối thủ sâu cay nhất của ông cũng im lặng.
John Malone - Giám đốc hãng Liberty Media, từng đối đầu với Murdoch về vị trí của ông ta trong tập đoàn News Corp. và nhiều vấn đề khác, không hề đưa ra bình luận về vụ việc.
Nhà sáng lập CNN Ted Turner, từng thách Murdoch đấm bốc tại Las Vegas, không thể tiếp cận.
Mort Zuckerman - Chủ báo New York Daily News - thường xuyên cạnh tranh độc giả với tờ lá cải Post for New York - cũng không trả lời câu hỏi của phóng viên về nhận định của mình.
Theo AP, điều này tất nhiên chẳng có gì ngạc nhiên. Bất chấp scandal đã khiến hai trợ lý hàng đầu của Murdoch bị mất việc và buộc ông phải đóng cửa một trong những báo lá cải hàng đầu ở Anh, Murdoch vẫn đang điều hành News Corp., một trong những đế chế truyền thông có ảnh hưởng nhất thế giới. Không hề có chuyện hả hê công khai về vụ rắc rối này nếu người ta vẫn phải cạnh tranh, và hợp tác, với ông trùm 80 tuổi.
Nhưng cũng có người không nhân đạo đến vậy. Trong vài ngày gần đây, Murdoch đã được so sánh với một chính trị gia tai tiếng Richard Nixon, và thậm chí bị ví với quỷ dữ.
Scandal nổ ra sau khi một loạt sự thật được phanh phui, theo đó các phóng viên tại tờ báo lá cải bán chạy nhất Anh News of the World thường thu thập thông tin bằng nhiều cách bất hợp pháp, trong đó có nghe lén điện thoại di động và hối lộ cảnh sát. Tuần trước, Murdoch đã phải đóng cửa tờ báo 168 tuổi và từ bỏ dự án thu mua hãng truyền hình vệ tinh BSkyB của Anh. Ông thậm chí đã gặp gỡ và xin lỗi gia đình của cô gái bị sát hại mà phóng viên News of the World đã nghe lén điện thoại của cô này.
Cuối tuần trước, ông đã chấp nhận đơn từ chức của hai quan chức hàng đầu của tập đoàn: Rebekah Brooks - Giám đốc News International, và Giám đốc Dow Jones Les Hinton.
Vụ việc có thể khiến Murodch và công ty của ông gặp nhiều rắc rối về pháp luật. Cổ phiếu của News Corp. đã mất giá hàng tỷ đô la. Một cuộc điều tra hình sự cũng đang được tiến hành tại Anh, trong khi FBI đã bắt đầu một cuộc điều tra sơ bộ ở Mỹ, nơi công ty sở hữu các tờ báo lớn nhất nước The Wall Street Journal, New York Post, kênh truyền hình Fox TV và hãng phim 20th Century Fox.
Hiện giờ, vị trí Giám đốc điều hành của Murdoch tại News Corp. vẫn an toàn bởi ông giữ 40% cổ phiếu của công ty, và ban giám đốc thì gồm toàn những cổ đông từ lâu đã bị chỉ trích là bạn nối khố của ông. Ông cũng là một trong những người giàu nhất thế giới, cho dù tài sản được Forbes công bố vào tháng 3 là 7,6 tỷ USD đã bị giảm đi 13% từ giá trị cổ phiếu News Corp. trong hai tuần qua.
Nhưng các nhà lập pháp Anh trước đây luôn ủng hộ Murdoch để khỏi bị trưng lên các trang báo của ông dường như không còn đứng về phía ông nữa. Murdoch chắc chắn sẽ đối mặt với những câu hỏi hóc búa vào ngày mai khi xuất hiện trước ủy ban quốc hội đang nóng lòng xoay ông về các cáo buộc đột nhập điện thoại và hối lộ.
"Mọi đồng minh thế lực từng giúp đỡ ông ta, kể cả công khai hay âm thầm, đều đã rút lui", Eric Boehlert - quan chức cấp cao tại hãng Media Matters nói. "Ông ấy giờ chỉ còn một mình và đương đầu với mọi thứ".
Boehlert ví scandal của Murdoch giống như vụ Watergate của Tổng thống Mỹ Richard Nixon bị phơi bày năm 1974. Giống Nixon hồi đó, Murdoch đang trong "tình trạng rơi tự do. Ông ta không thể làm gì để ngăn chặn câu chuyện này", Boehlert nói.
Việc thiếu kiểm soát tình hình dường như khiến Murodch bực mình khi ông nói trên tờ Wall Street Journal hôm 14/7 rằng ông đang "ngày càng khó chịu khi báo chí đưa tin tràn lan về vụ scandal".
Nếu vụ việc lan rộng, nhà phân tích báo chí Ken Doctor tin rằng Murdoch cuối cùng có thể bị mất chức CEO dù ông vẫn nắm giữ vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị News Corp.
Còn chủ báo Conrad Black - từng sở hữu tờ The Daily Telegraph - cho rằng đối thủ của mình giống một nhân vật lịch sử khác - Hoàng đế Napoleon Bonaparte của Pháp.
Giống Napoleon, Murdoch là "một kẻ xấu vĩ đại", Black viết trên tờ Financial Times hôm 13/7. Black, từng bị kết tội gian lận vào năm 2007, viết rằng "sẽ ngạc nhiên nếu báo của Murdoch không phạm tội trong khi vẫn tận hưởng sự miễn trách trong hàng thập kỷ".
Tại Mỹ, phần lớn dùi mũi chĩa vào Murdoch bắt nguồn từ việc ông bị cho là sử dụng các tài sản truyền thông của mình, đặc biệt là kênh Fox News, để quảng bá cho chiến dịch chính trị thuộc đảng Bảo thủ mà ông là thành viên.
Fox News hiện không đưa tin nhiều về scandal của Murdoch như các báo khác. Từ ngày 4 đến 13/7, Fox chỉ phát 30 mẩu tin về câu chuyện, theo phân tích của hãng Media Matters. Trong khi đối thủ CNN đưa 109 tin và MSNBC là 71 tin.
Les Hinton, 67 tuổi, là quan chức cấp cao đầu tiên của Murdoch tại Mỹ bị mất chức trong vụ bê bối. Ông từ chức giám đốc điều hành Dow Jones và chủ báo Wall Street Journal hôm 15/7, chấm dứt 52 năm làm việc cho Murdoch. Trong bài phát biểu từ chức của mình, ông nói không hề biết gì về vụ nghe lén điện thoại tại báo Anh.
Nhưng MacCallum, cựu phóng viên tại báo The Australian, cho rằng thật khó tin các quan chức cấp cao tại News Corp. lại không biết những gì đang diễn ra ở News of the World. "Trong tổ chức của Murdoch, mọi người đều biết cái gì đang diễn ra", ông nói.
Nhưng ông nghi ngờ bản thân Murdoch khó có thể tha thứ cho việc làm giấu tay như đột nhập điện thoại. "Murdoch chưa bao giờ là một kẻ đánh lén. Nếu ông ta bám theo bạn, thì bạn biết rằng ông ta đang bám theo bạn".
Song Minh