Đây là một căn bệnh kinh niên của bộ máy quan liêu của nhiều nước, sự khác biệt chỉ là về mức độ. Ở những quốc gia, nơi bộ máy chưa có quy chế rạch ròi, công việc và trách nhiệm không được phân công rõ ràng, thiếu minh bạch, cấp trên thích ôm đồm (do không hay chưa tin cấp dưới và việc uỷ quyền chưa tốt), trách nhiệm giải trình không rõ, nhất là trong chế độ chuyên quyền, thì căn bệnh đó càng nặng và khó chữa.
Tuy nhiên cũng có nhiều lời bộc bạch rất thực lòng của các quan chức cấp cao mà người ta cần ghi nhận, dẫu chúng biểu lộ sự thật đáng buồn hay sự thiếu hiểu biết của họ. Trong những trường hợp như vậy, lời nói đi đôi với việc làm có kết quả tồi nhưng có thể sửa nếu họ nhận cái sai của mình, nhưng là tai hoạ nếu họ khăng khăng rằng họ và chỉ họ mới đúng.
Cuối năm 2006, dư luận ở nước ta đã rộ lên với phát biểu của ông Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao khi ông than phiền trước Quốc hội rằng "trong 4-5 năm qua, ngành toà án đã cố gắng vơ vét, tận dụng những lực lượng đã có để bổ nhiệm cho đủ" các thẩm phán.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ứng kịch liệt, nhiều người dân cũng bất bình. Nhưng không ít người công nhận ông Chánh án đã rất thẳng thắn, rất thực lòng khi phát biểu về thực trạng này. Người ta chỉ có thể trách ông đã dùng từ không khéo, nhưng ông đã rất thực lòng, đã nói về thực trạng đáng buồn về chính sách nhân sự, đào tạo, cất nhắc cán bộ của chúng ta.
Nhiều bộ trưởng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua. Có những vấn đề thực sự "nóng", song dường như chưa thực sự làm hài lòng người dân và dư luận. Đấy là một dấu hiệu chúng ta nên chú ý. Cần phân tích vì sao? Chất lượng chất vấn, chất lượng các câu trả lời, sự sắp xếp thời gian,... liệu có vấn đề và nên rút kinh nghiệm?
Cũng có quan chức khi trả lời chất vấn đã tỏ ra rất chân thực, khi nói ra những điều mà vì thế người ta có thể đặt vấn đề về sự hiểu biết của họ.
Bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về việc các tập đoàn (trong đó có Tập đoàn Điện lực - EVN) không tập trung vào công việc kinh doanh cốt lõi của mình mà đi đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, tài chính, một ông bộ trưởng đã giải thích "EVN có góp vốn tham gia với Ngân hàng An Bình nhưng tham gia với mục đích là để vay vốn khi các ngân hàng khác không cho vay. Và EVN đã vay của ngân hàng này 2.000 tỉ đồng".
Đây là một sự bộc bạch rất chân thực, không vòng vo hay né tránh, nói rõ mục đích của EVN (mà các quan chức cấp cao của EVN và của các cấp trên của nó chắc chắn chia sẻ). Góp vốn vào ngân hàng để ngân hàng lo tín dụng cho mình. Rất thành tâm.
Tôi có dịp trao đổi với một quan chức cao cấp của một ngân hàng (được nâng cấp từ ngân hàng nông thôn lên thành ngân hàng đô thị và có sự tham gia của một tập đoàn), ông ta cũng nói nhiệm vụ là tìm vốn cho tập đoàn. Có ông cán bộ cao cấp của một tập đoàn cũng nói công khai rằng họ lập ngân hàng và ngân hàng đó chỉ lo cho tập đoàn là đã đủ mệt. Rất chân thật. Và họ đã chân thật bộc lộ cả sự thiếu hiểu biết của mình!
Theo tập quán ngân hàng, việc cho các cổ đông lớn vay là một điều tối kỵ và bị hạn chế nghiêm ngặt. Tổng các khoản tín dụng cho các cổ đông lớn, cho các thành viên HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành, người thân của họ, cho các công ty có liên quan của họ (được gọi là những người có liên quan) phải được kiểm soát chặt chẽ; theo quy định hiện hành, tổng số này không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, mà vốn tự có thường chỉ là một phần nhỏ của tài sản của ngân hàng, bằng một phần nhỏ của tổng dư nợ.
Ngay đối với một khách hàng bình thường, không phải là những người có liên quan kể trên, tổng dư nợ cũng bị kiểm soát gắt gao theo Điều 79 của Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này quy định: "Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác".
Để phòng ngừa rủi ro, nước nào cũng có quy định như vậy. Vi phạm điều này là một vi phạm hết sức nghiêm trọng, có thể ẩn chứa nhiều rủi ro. Rõ ràng người ta đã không để ý đến quy định cơ bản và sơ đẳng này.
Không ai đòi hỏi các quan chức phải biết hết mọi thứ, phải thông thạo mọi việc, họ có bộ máy giúp việc. Sự chân thật là đáng ghi nhận, sự thiếu hiểu biết có thể được thông cảm. Lắng nghe, biết được cái sai, cái thiếu sót của mình và mạnh dạn sửa chữa mới là điều đáng quý. Hy vọng những người chân thật như vậy có thể lắng nghe, có thể sửa chữa.