Nhìn dáng vẻ, và liên hệ với sự nổi tiếng của Sơn, người ta nghĩ đến sự kiêu ngạo. Từ chiếc xe mô tô có phần còn khiêm tốn, nay Lê Minh Sơn đi xe hơi. Nhưng thực ra con người có vẻ ngoài kiêu bạc ấy lại cũng gần gũi như chính những sáng tác của anh. Lê Minh Sơn, dễ gần, khác hẳn những gì mà nhiều người vẫn cảm nhận. Ngồi bên bát nước vối ở một quán nước chè chén, anh mở đầu câu chuyện rất ấn tượng: "Tôi chỉ nói về âm nhạc và đàn bà thôi đấy nhé! Âm nhạc là đam mê, là cái để mưu sinh, còn đàn bà là cảm hứng để cả thế giới này, trong đó có tôi và anh, sống và sáng tạo".
3 năm nay, tôi toàn viết theo đơn đặt hàng!
- Chúng ta bắt đầu từ đề tài thứ nhất: Âm nhạc?
- Theo tôi âm nhạc VN đang đi theo những chiều hướng tốt, các tác giả đều học hành bài bản. Họ đang tạo ra một bản sắc mới. Tuy nhiên, theo tôi mỗi người nên tìm ra một phong cách riêng, đó có thể là pop, rock, jazz hay dân gian đương đại.
Tôi muốn nói về sự hội nhập. Người ta hay đặt ra câu hỏi, bao giờ VN bước ra sân khấu âm nhạc thế giới. Có người nói ta thiếu phòng thu, thiếu công nghệ lăng - xê. Theo tôi, cái ta thiếu chính là âm nhạc thôi. Muốn hội nhập phải có bản sắc, nếu không, ta sẽ đồng hóa. Tại sao ta không có rock Việt, jazz Việt mà cứ phải giống Anh, Mỹ. Nhưng người trẻ họ phải biết họ đang làm gì, cần gì?
- Anh có cho mình là một người trẻ không? Anh đã già đâu?
- Trong âm nhạc cũng như nghệ thuật không có trẻ với già, mà chỉ có những tâm hồn trẻ, tâm hồn già mà thôi. Tuy nhiên, anh có thể thấy trong nghệ thuật sự nổi loạn, đúng hơn là sự bùng nổ, chủ yếu bắt đầu ở những người trẻ tuổi.
- Anh nghĩ sao về chuyện tác phẩm âm nhạc cần phải được mua và bán?
- Tôi nghĩ chuyện mua bán ở đây là việc bình thường. Mặc dù nhạc bán được ít lắm. Người ta nói rằng các ca sĩ đang sinh hư. Tôi cho đó là có lý do. Vì họ thường nhận được nhiều cuộc gọi, "em ơi, cháu ơi, hát bài này đi, hợp lắm, hay lắm".
Mua bán tác phẩm âm nhạc không có gì là xấu cả, mà đó là cách làm chuyên nghiệp nhất. Nghĩa là phải biết ca sĩ hát cao nhất là nốt gì, thấp nhất là nốt gì, đẹp nhất là nốt gì. Đó cũng là cách của tôi đang làm. Còn cứ viết tùy hứng, rồi gọi ca sĩ này, ca sĩ kia thì đó không phải là sự chuyên nghiệp.
|
Lê Minh Sơn ở nhà họa sỹ Đào Anh Khánh |
- Thì ra anh đang làm theo sự đặt hàng? Liệu có mâu thuẫn gì giữa sự hưng phấn với công việc làm theo kế hoạch?
- Đúng, 3 năm nay rồi tôi không viết theo cảm hứng mà viết theo từng dự án, từng album. Tùng Dương, Ngọc Khuê, Trọng Tấn, mỗi giọng hát một khác, phải sáng tạo chứ. Thanh Lam cũng vậy.
Sắp tới là làm cho Khánh Linh, một giọng hát trong vắt như những hạt sương như thế làm cho mình hưng phấn lắm đấy. Với tôi, sự sáng tạo được kích thích bởi giọng hát của ca sĩ mà mình hợp tác. Thứ 2, tiền bán ca khúc cũng kích thích tôi làm việc. Nó nuôi dưỡng cuộc sống, cũng như sự sáng tạo của mình.
- Anh có thể nói giá bán của một ca khúc của mình không?
- Với người khác, tôi không biết, nhưng ca khúc của tôi thì... vô giá! Có khi là một cốc trà đá, khi một bán bún bò, có khi là cả một mét đất.
- Anh có thể nói rõ cốc chè đá ấy, mét đất ấy từ tác phẩm nào, ai là người mua?
- Cốc chè đá có thể là Bên bờ ao nhà mình ấy. Hồi ấy Ngọc Khuê còn bé lắm, có gì đâu. Khuê hát xong, anh em đi uống trà đá thật. Còn chuyện đất đai thì là bài À í a, trong đó có câu "đất bán rồi". Khi nó được hát xong mình về quê làm giấy tờ cho một mảnh đất mới mua, chính quyền địa phương ủng hộ lắm, sổ đỏ chỉ một tuần là xong.
- Xin hỏi, nhìn anh rất hiện đại, rất hip hop, nhưng âm nhạc lại rất trữ tình và còn rất... cổ kính, liệu có mâu thuẫn không?
- Không, tôi nghĩ dân gian cũng là hiện đại. Không hiện đại sao nhạc dân gian còn sống đến bây giờ. Ví dụ bài Ngồi tựa mạn thuyền của các cụ phải hiện đại lắm, lãng mạn lắm thì mới viết như thế chứ? Nói một cách thô thiển, thịt chó chấm mắm tôm rất ngon. Đâu phụ chấm mắm tôm cũng rất ngon. Nhưng nếu anh là nước lã, anh chan vào mắm tôm thì nó chẳng ra gì cả. Nếu anh không có cái tôi cá nhân, thì đừng nói đến dân gian lẫn hiện đại.
- Nhân nói về nhạc dân gian đương đại, anh thấy vị trí thể loại này đang ở đâu trong đời sống âm nhạc?
- Tôi cho là ở VN mình đã có nhiều người rất thành công. Chẳng hạn ông Đỗ Nhuận, ông Văn Chung là những thứ "mắm tôm" rất độc đáo. Nguyễn Cường là bậc quái kiệt trong khai thác âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Phó Đức Phương thì "ăn theo" dân ca Đồng bằng Bắc bộ rất nhuần nhuyễn. Nhạc Dương Thụ thì rất thanh cao mà chẳng phải nhạc Tây. Trần Tiến thì giỏi cả dân ca Bắc lẫn Nam như là Ngẫu hứng sông Hồng. Có một người nữa là Ngọc Đại. Tôi gọi nhạc của ông Đại là "thứ nhạc bốc mả". Là những đậm đặc thuộc về cõi âm, về tâm linh, về thế giới bên kia của con người.
- Anh có cho mình là một người thành công không? Nếu tôi nói là anh một người thành công thì anh nghĩ sao?
- Tôi cảm ơn. Nhưng tôi chưa cho mình là một người thành công. Tôi là người may mắn vì được thừa thưởng những gì mà ông bà chúng ta để lại. Tôi cũng thừa hưởng cái gen của gia đình. âng ngoại tôi là nhà văn chuyên dịch thuật. Bên nội thì nhiều đời là đồ nho, có người còn có tên trong Văn Miếu. Mẹ tôi cũng là giáo viên dạy văn. Bố tôi cũng làm nhạc...
- Người ta từng biết đến anh như một nghệ sĩ biểu diễn, rồi một nhạc sĩ sáng tác. Có gì sẽ là chính trong sự nghiệp âm nhạc của anh? Anh thích những ca khúc nào của chính mình?
|
Thanh Lam - Lê Minh Sơn. (Ảnh: TNTS) |
- Tôi đang được biết đến như một nhạc sĩ sáng tác. Nhưng tôi từng sống nhờ cây đàn guitar và hoàn toàn tự tin trên sân khấu cũng như trong cuộc đời nếu có nó trong tay. Biểu diễn và sáng tác sẽ không tách rời nhau. Vì âm nhạc với tôi là một thứ tôn giáo. Nói một cách hơi sến, tôi nhờ 7 nốt nhạc, âm nhạc là một trận đồ bát quái, nó vừa nung chảy mình, vừa đưa mình lên mây xanh.
Chuyện thích hay không thích, nó như định mệnh. Mình thích bài hát này, nhưng mà công chúng lại thích bài kia. Ví dụ như Đá trông chồng. Tự nhiên người ta thích, người ta hát, mặc dù mình không o bế nó. Bài hát tôi thích là Người ở đừng về đấy, một bài hát tôi viết về tình yêu của các "liền" người quan họ, quê Bắc Ninh của mẹ tôi. Các liền anh liền chị quan họ không lấy nhau được vì có một lời nguyền. Vì thế những mối tình quan họ sâu sắc và da diết lắm. Tôi thích nhất bài này chứ không phải là âi quê tôi, À í a hay Chuồn chuồn ớt.
Tôi thích đàn bà có quyền lực, và thơm!
- Chuyển sang đề tài thứ 2, anh muốn nói gì về đàn bà?
- Lời đầu tiên, tôi nói là mọi lời nói về đàn bà đều thừa!
- Một người đàn bà như thế nào sẽ làm cho anh thích?
- Một người có quyền lực, và thơm!
- Quyền lực của đàn bà, theo anh nghĩa là gì?
- Họ phải có trí tuệ, có cái đầu. Nghĩa là họ biết làm những thứ gì cần thiết cho 2 chữ đàn bà của họ. Theo tôi đó là quyền lực của họ. Nhưng cái hay nhất của đàn bà là gì? Đó là vì họ vẫn chỉ là đàn bà mà thôi.
|
Lê Minh Sơn. (Ảnh: TNTS) |
- Anh có thể nói rõ hơn không?
- Nhan sắc có thể là một quyền lực, tài năng cũng thế, tài chính cũng vậy. Nhưng tôi nhắc lại họ có đẹp đến mấy, giỏi đến mấy, giàu đến mấy thì cũng chỉ là đàn bà mà thôi.
- Lúc trước anh có nói đến một cốc nước chè, một con chuồn chuồn ớt, một anh cán bộ xã. Bây giờ, anh có thể nói về quyền lực của một người đàn bà XYZ nào đó không?
- Với tôi, đàn bà là những linh hồn rất yếu ớt, mong manh. Vẫn bị phụ thuộc. Có những người đàn bà nói rằng họ không cần đàn ông thực ra họ cần lắm đấy nhưng họ không có mà thôi. Tôi yêu họ, kính trọng họ vì thế.
- Anh ghét điều gì ở phụ nữ?
- Tôi thấy đàn bà chẳng có điều gì đáng ghét. Tất cả mọi thứ thuộc về đàn bà đều tuyệt vời cả. Nhiều người nói đàn bà lắm mồm, nhưng tôi nghĩ họ như một con chim thì phải hót chứ. Khi họ to tiếng cáu gắt, thì anh cứ tưởng tượng họ như một con gà mái đang đập cánh ấy. Hay lắm chứ. Hà hà hà hà. Nói như đùa vậy, nhưng đúng đấy, ngộ được ra như vậy ta sẽ nhẹ nhõm hơn.
- Còn lỗi lầm của họ nếu có, anh nhìn nó như thế nào?
- Tôi cho đó là sự cân bằng, là cái hay nhất của người đàn bà. Nó làm cho vẻ đẹp của họ được hoàn thiện hơn. Ai chẳng có lỗi lầm. Nếu không có lỗi lầm, họ trở thành thánh bà mất, ai gọi là đàn bà nữa. Mà cuộc sống thật thì không có thánh.
- Thân thể của họ thì sao?
|
Thanh Lam - Lê Minh Sơn. (Ảnh: TNTS) |
- Tôi thích họ phải thơm. Chỉ có điều, mùi thơm ấy tôi nhìn bằng mắt. Điều này liên quan đến quan niệm về tình yêu của tôi. Tại sao thần tình yêu khi bắn mũi tên tình yêu lại bịt mắt? Là vì trong tình yêu, tôi nghĩ cái lõi và đầu tiên, đó là sự mù quáng. Khi yêu, không được phép tỉnh táo, nếu tỉnh táo thì đâu gọi là tình yêu nữa.
- Anh có phải là người đa tình không?
- Tôi nhiều cảm xúc, nhiều cảm giác, nhưng rung động thì khó đấy. Tôi ít rung động lắm. Tôi nói yêu là mù quáng, nhưng con người ta khi mù, thì vẫn còn một cái nữa là cảm giác, cảm xúc. Cái đó thì không thể sai được đâu. Vũ trụ cho con người một cái duy nhất thôi, đó là tình yêu. Cuộc sống của tôi, của anh, của cả thế giới này chỉ có mỗi cái đó thôi. Chấm hết!
- Anh có thể nói vài chuyện liên quan đến tình yêu của mình được không?
- Tình yêu của mình thì để cho mình biết thôi, một mình mình gặm nhấm nó khi buồn khi vui, thế mới thích. Tôi không thích nói về tình yêu của mình trên báo chí.
- Đây là câu hỏi cuối cùng, một sự giao thoa giữa âm nhạc và phụ nữ. Thời gian gần đây người ta hay nhắc đến tên anh cùng với Thanh Lam. Anh có thể nói gì về Thanh Lam hôm qua, hôm nay và ngày mai?
- Đó là một tình bạn lớn của tôi đấy. Ca sĩ rất nhiều, nhưng Thanh Lam thì khác, cô ấy là một nghệ sĩ hát và có thể kích thích sự sáng tạo của người sáng tác. Thanh Lam làm bùng nổ những ca khúc của tôi. Ví như Đá trông chồng nói lúc nãy. Thanh Lam đã làm cháy nó lên, hơn cả dự đoán của tôi. Đến nay, Thanh Lam đã có tới 4 CD ca khúc tôi viết, 32 bài hát.
Tuy nhiên, viết cho Lam hơi khó. Không những làm sao cho phù hợp với giọng hát của Lam, mà vì khi Thanh Lam đã hát rồi thì người hát sau thường gặp khó khăn. Tôi tin rằng quan hệ bằng hữu giữa tôi và Thanh Lam đang nâng cánh cho cả 2 trên con đường nghệ thuật. Sẽ không bao giờ có chuyện gì ồn ào ngoài âm nhạc cả. Tất cả sẽ rất văn hóa, rất nguyên tắc và có kiểm soát!
Theo Lưu Quang Phổ -