Theo Giáo sư Vũ Khiêu, màn biểu diễn "khỏa thân" trong chương trình "Tự khúc 20" của các học viên FPT Arena mới đây là "phản lại nghệ thuật, đưa văn hóa trở về thời kỳ mông muội".
Xem slide ảnh gốc
Trao đổi với chúng tôi sau khi xem những bức ảnh chụp về màn biểu diễn "khỏa thân" trong đêm kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn FPT, Giáo sư Vũ Khiêu đã bày tỏ sự bất bình trước sự lệch lạc về văn hóa của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
- Thưa Giáo sư, Giáo sư có cảm nhận như thế nào sau khi xem những bức ảnh mà các nam sinh của FPT Arena biểu diễn trong ngày Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FPT hôm 13/9 vừa qua?
- Hành động đó là không thể chấp nhận được! Xã hội càng phát triển thì văn hóa ngày càng thể hiện sự vươn cao của con người, ngày một xóa bỏ sự thấp kém của thú vật, ngày càng bỏ xa sự man rợ của con người nguyên thuỷ. Tách biệt hẳn với loài vật, con người phải hướng về tương lai, chứ không phải đưa văn hóa về thời mông muội như vậy.
![](http://vtc.vn/newsimage/original/vtc_222227_gs-Vu-Khieu-2.jpg)
GS đánh giá như thế nào về hành vi được coi là phản văn hóa này trong truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc ta?
- Dân tộc ta trong quá trình phát triển của mình không chấp nhận sự dễ dãi, buông tuồng. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, dân tộc ta những lúc khó khăn và hiểm nghèo nhất vẫn ngẩng cao đầu, vẫn sống với những hoài bão lớn lao của dân tộc, nhân phẩm tốt đẹp của con người.
Nghệ thuật để phục vụ cho thị hiếu lành mạnh của công chúng, không có cớ gì trong thời kỳ hoà bình, xã hội phát triển, lại để những mầm mống văn hóa độc hại này nảy sinh.
- Thưa Giáo sư, trên thế giới có nhiều cuộc diễu hành "nude" và giới trẻ Việt Nam hiện nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi trào lưu đó. Liệu hành động biểu diễn trong bộ dạng "nguyên thủy" của các Học viên FPT Arena nói trên có phải là cách thể hiện sự tự do trong lối sống của giới trẻ ngày nay?
- Cách đây gần nửa thế kỷ, thanh niên các nước tư bản phản ứng mạnh mẽ trước một xã hội đầy rẫy những bất công, suy thoái về đạo đức, gây nên nhiều tội ác đối với các dân tộc nhỏ yếu và đối với bản thân nhân dân nước họ. Sự bất mãn dẫn họ tới những hành vi phá phách, chống lại mọi trật tự xã hội, gây ra những phong trào hippi, những cách ăn mặc lố lăng kỳ quái.
Những hành vi đó đã bị những học giả và người đương thời phê phán mạnh mẽ và hướng họ tới những suy nghĩ lành mạnh, những hành vi cao cả đấu tranh chống mọi sự áp bức, giải phóng cho người cùng khổ, giải phóng cho cả xã hội và loài người.
Trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, những hiện tượng và hành vi mang tính thẩm mỹ cao không phải là sự suy nghĩ man rợ, sự lõa lồ của cơ thể, mà là sự tốt đẹp của tâm hồn Việt Nam, sự thương yêu lẫn nhau trong gia đình và ngoài xã hội. Sự ưa thích cái đẹp, sự say mê cái đẹp đang nảy sinh trong sự phát triển của dân tộc hiện nay và trong tương lai rực sáng của dân tộc và loài người.
Cái gây xúc động nhất về mặt thẩm mỹ của con người là tinh thần bất diệt của dân tộc trước mọi thử thách, là sự phấn đấu của toàn thể nhân dân ta trước những khó khăn trong thời đại hội nhập toàn cầu và giao lưu quốc tế này.
Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, cái đẹp của dân tộc luôn luôn hướng về phía trước, với quá khứ thì luôn phát huy truyền thống anh hùng và văn hiến của dân tộc, chứ không bao giờ khôi phục lại sự xấu xa và man rợ mà tổ tiên ta đã chôn vùi từ mấy ngàn năm lịch sử.
- Sau khi sự việc xảy ra, phía FPT đã giải thích đó chỉ là "sự cố ngoài ý muốn", cũng có ý kiến lại cho rằng đó chỉ là biểu diễn nội bộ nên xem như việc nhỏ. Vậy theo Giáo sư, liệu có cần bàn thêm về việc này?
- Trong trách nhiệm quản lý một cơ quan, mọi sự hay dở đều thuộc phạm vi trách nhiệm của người quản lý. Không thể bào chữa cho sự sai lầm của mình bằng sự cố ngoài ý muốn. Xã hội không thể chấp nhận những sai lầm ngoài ý muốn của bất cứ ai.
Càng không thể nói sự biểu diễn không tốt đẹp đó chỉ là trong nội bộ. Nội bộ trong phạm vi nhỏ bé một gia đình hay của một cơ quan, tập đoàn đều là những hành vi đầy trách nhiệm trước xã hội. Không thể vin cớ là nội bộ của riêng cơ quan mình rồi muốn làm gì thì làm. Những hành vi nội bộ đó không chỉ phá hoại nội bộ mình mà cũng trực tiếp phá hoại cộng đồng lớn của xã hội, của dân tộc.
- Cộng đồng mạng, bao gồm cả những trí thức trẻ, đã lên tiếng phản đối kịch liệt hành vi này. Theo Giáo sư, sự phản ứng đó liệu đã đủ mức cần thiết chưa?
- Việc phản ánh là đúng nhưng chưa đủ. Cần có những biện pháp định hướng cụ thể, dài hơi hơn để ngăn chặn những suy nghĩ và hành động thiếu tính văn hóa của lớp trẻ. Phải chỉ được cho họ thấy rõ đâu là đúng, đâu là sai.
Việc này cần có ý kiến của các ban ngành liên quan, việc định hướng lâu dài cần xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, trước mắt có thể cần sự góp ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với những sinh viên trong màn biểu diễn đó và cả cơ quan chủ quản của các nhân vật này.