Đương nhiên, nếu cô lập VN với thế giới thì không đến nỗi quá lo lắng. Song nếu đặt giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhìn tình hình một cách khách quan và có trách nhiệm, thì không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục VN so với các nước xung quanh, và so với yêu cầu phát triển của xã hội.
Thực tế, đất nước nghìn năm văn hiến này đang trả giá nặng nề cho sự suy thoái trầm trọng của giáo dục kéo dài suốt ba mươi năm qua.
Giáo dục là một hệ thống phức tạp được đặc trưng bởi mục tiêu, cấu trúc, tổ chức (bao gồm các phần tử và các hệ thống con), phương thức vận hành và hiệu quả hoạt động. Nếu mỗi yếu tố ấy đều có quá nhiều trục trặc nghiêm trọng kéo dài hàng thập kỷ mà không khắc phục được, khiến mọi sự điều chỉnh cục bộ theo cơ chế phản hồi đều không cứu vãn nổi, thì tình trạng ấy phải được xem là sự khủng hoảng toàn diện.
Những dấu hiệu...
Nhìn lại hệ thống giáo dục VN, những dấu hiệu khủng hoảng đã lộ rõ từ lâu và ngày càng đậm nét.
Từ chỗ trước đây dù sao cũng là sự nghiệp toàn dân, là “bông hoa của chế độ”, nay giáo dục đã dần dần mất phương hướng, không còn rõ giáo dục cho ai, vì ai, để làm gì.
Trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục có nguy cơ sút giảm để dần dần nhường chỗ cho quan niệm tư nhân hóa cực đoan, phủ nhận giáo dục với tư cách lợi ích công hòng biến nó thành một thứ hàng hóa thuần túy, thuận mua vừa bán theo cung cầu của một thứ thị trường vô tâm.
Giữa mục tiêu lý thuyết và thực tiễn thực hiện tồn tại khoảng cách ngày càng gia tăng, có nguy cơ đẩy giáo dục xa rời lý tưởng công bằng, dân chủ, văn minh mà xã hội đang hướng tới.
Cơ cấu tổ chức và hoạt động giáo dục mất cân đối, rối loạn trầm trọng giữa giáo dục phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học, giữa trường tư, trường công, giữa chuyên tu, tại chức, đào tạo liên kết, v.v.... tất cả làm thành một hệ thống tạp nham, rối ren không đồng bộ, thiếu nhất quán, hoạt động phân tán, rời rạc, mà mỗi đơn vị tuân theo lợi ích cục bộ, thiển cận, nhiều hơn là quan tâm đến lợi ích cơ bản và lâu dài của cộng đồng (gần đây nhất, giữa lúc Chính Phủ kêu gọi mọi ngành ngăn cơn bão giá thì ngành giáo dục tăng giá sách giáo khoa 10%).
Nội dung và phương pháp giáo dục thể hiện xu hướng hư học cổ lỗ, dành nhiều thời gian học những kiến thức lạc hậu vô bổ (sau nhiều lần bàn cãi cũng chỉ mới giảm được thời lượng bắt buộc).
Mặt khác lại quá thực dụng thiển cận, thiên về triết lý mì ăn liền mà coi nhẹ những vấn đề có ý nghĩa cơ bản suốt đời cho mỗi người như: hình thành nhân cách, rèn luyện năng lực tư duy, khả năng cảm thụ.
Coi nhẹ kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, đức tính trung thực, năng lực sáng tạo, trí tưởng tượng, là những đức tính thời nào cũng cần nhưng đặc biệt thời nay càng cần hơn bao giờ hết.
Bằng cách đặt nặng quá mức bằng cấp và thi cử, nhà trường đã vô tình tuôn ra xã hội mọi thứ rác rưởi độc hại: bằng giả, bằng dỏm, học giả, v.v.
Chất lượng giáo dục sa sút một thời gian dài, nhất là ở đại học, cao đẳng và dạy nghề, khiến nhân lực đào tạo ra còn rất xa mới đáp ứng được đòi hỏi thực tế về cả chất lượng và số lượng, do đó đang trở thành nhân tố cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế.
Dân trí thấp - hệ quả tất nhiên của giáo dục yếu kém -- tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn giao thông, và hàng loạt vấn nạn khác.
Thêm vào đó, chất lượng giáo dục quá thấp là nguyên nhân quan trọng gây ra nạn chảy máu chất xám đang làm xã hội mất đi những nguồn lực trí tuệ quý giá.
Trong khi chất lượng giáo dục sa sút thì chi phí giáo dục tăng liên tục, trở thành gánh nặng phi lý không chỉ cho ngân sách quốc gia, mà còn cho mọi gia đình vì phần đóng góp trực tiếp của dân ngoài thuế lên đến hơn 40% tổng chi phí giáo dục.
Tuy nhiên, còn may là vượt lên trên tình hình chung không mấy sáng sủa đó vẫn có những điểm sáng nhất định (lác đác trong từng cấp học đều có những đơn vị khá thành công), chứng tỏ tiềm năng phát triển giáo dục ở đất nước này còn nhiều.
Hai năm gần đây đã có một số chuyển biến tích cực nhưng vì chưa động tới các vấn đề cốt lõi - nơi sức ỳ đã bám rễ trong nhiều năm - nên chưa tạo đủ xung lực cho một cuộc lột xác của giáo dục hiện đang là đòi hỏi cấp bách của xã hội.
2. Đi tìm nguyên nhân
Điều gì đã khiến nền giáo dục của một đất nước vốn có truyền thống hiếu học lâu đời rơi vào suy thoái trầm trọng vào đúng thời điểm mà lẽ ra nó phải là bệ phóng cho kinh tế cất cánh?
Hoàn toàn không phải do nghèo, vì công sức, tiền của lãng phí, thât thoát hàng năm vô cùng lớn. Nguyên nhân phải thẳng thắn nhìn nhận là do quản lý, lãnh đạo dưới tầm.
Từ quan niệm, tư duy cơ bản (triết lý giáo dục, theo cách nói gần đây) cho đến thiết kế hệ thống và quản lý, điều hành, mọi khâu đều có những bất cập, sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống.
Quan niệm, tư duy về giáo dục xơ cứng, cũ kỹ
Cái gốc của phần lớn sai lầm ấy là quan niệm, tư duy xơ cứng về giáo dục, quá cũ kỹ mà qua hai thập kỷ hầu như không thay đổi. Vẫn cách suy nghĩ thiển cận, vẫn những quan điểm giáo điều thời bao cấp, được biến tấu ít nhiều để thích nghi với những xu hướng phiêu lưu du nhập từ bên ngoài phù hợp với từng nhóm lợi ich chi phối các hoạt động giáo dục.
Mọi người đều biết thời nào, chế độ nào thì một nền giáo dục chân chính cũng có sứ mạng cao cả giống nhau về giáo dục con người. Đồng thời trên cái nền chung đó mỗi thời, mỗi xã hội đặt những nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể khác nhau cho giáo dục. Không thấy hai mặt đó mà chỉ thiên một mặt này hay mặt kia, thậm chí để hai mặt đó xung đột, sẽ dẫn đến một nền giáo dục hoặc thoát ly thực tế hoặc thực dụng thiển cận, hoặc vừa có cả hai tính chất đó.
Chẳng hạn, thời nào thì con người sống trong xã hội lành mạnh cũng cần trung thực, và muốn đóng góp vào sự phát triển của xã hội cũng phải ít nhiều có đầu óc sáng tạo, nhưng chưa bao giờ hai đức tính đó thiết yếu như bây giờ trong thế giới toàn cầu hóa và kinh tế tri thức.
Điều đó tiếc thay đã không được chú ý trong suốt quá trình xây dựng giáo dục ở VN. Trong khi xã hội và môi trường quốc tế đã biến đổi cực kỳ sâu sắc mà từ mẫu giáo đến đại học, nhà trường vẫn dựa vào kinh nghiệm giáo dục tư tưởng chính trị thời đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội để rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, thì với sự vênh đó giữa lý thuyết và đời sống, cộng thêm sự xuống cấp nhanh đạo đức xã hội, làm sao có thể giáo dục trung thực và sáng tạo có hiệu quả?
Đó là nguyên nhân sâu xa khiến sự giả dối và nạn giáo điều lan tràn, từ tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tich, bệnh thi đua hình thức, cho đến nạn sao chép, dạy mẫu, học thuộc lòng, cứ tồn tại dai dẳng bất chấp sự lên án của dư luận xã hội.
Cần phải bình đẳng về cơ hội học tập thành công
Gần đây, những cuộc tranh cãi xung quanh đề án tăng học phí, nạn học sinh bỏ học, ngồi nhầm lớp, v.v. cho thấy rõ một nguyên nhân căn bản của nhiều vấn nạn ấy là do nhận thức về công bằng, dân chủ trong giáo dục còn quá hời hợt và thô sơ. Chỉ mới chú ý yêu cầu sơ đẳng bảo đảm quyền học tập (nói chính xác là quyền bình đẳng về cơ hội học tập), mà ngay việc này cũng chưa được hiểu đúng và làm tốt.
Trong khi đó, với chế độ học tập như hiện nay, buộc học sinh phải học thêm ngoài giờ rất nhiều (kể cả làm bài tập ở nhà và học thêm ngoài giờ có trả học phí), thì con em các gia đình nghèo làm sao có được cơ hội học tập thành công bình đẳng với con em các gia đình khá giả.
Cho nên được đi học mới chỉ là bình đẳng một phần. Bình đẳng về cơ hội học tập không thôi chưa đủ mà phải bình đẳng về cơ hội học tập thành công. Không phải không có lý do mà ở nhiều nước, để bảo đảm công bằng về cơ hội thành công trong học tập, để giúp con em nhà nghèo không bỏ học giữa chừng, học sinh tiểu học và trung học không phải làm bài tập ở nhà mà đều làm hết ở trường, trong những giờ tự học có thầy giám sát.
Ở các nước ấy cũng không có chuyện phải học thêm ngoài giờ ở lớp và không có học sinh phải bỏ học chỉ vì chương trình nặng, học không nổi hay sách giáo khoa quá đắt, không có tiền mua. Vì vậy hiện tượng học sinh bỏ học nhiều cần được nhìn nhận là dấu hiệu đáng lo ngại của một nền giáo dục thiếu công bằng.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi kinh tế bế tắc, hệ thống giáo duc cũ gần như tan rã. Sai lầm cơ bản khi ấy là đã không xuất phát từ gốc để cải tạo hệ thống giáo dục mà chỉ cải sửa tùy tiện từng phần của nó trong khi vẫn khư khư giữ nền móng tư duy lạc hậu cũ. Rốt cuộc đã đẻ ra một hệ thông giáo dục dị dạng, đầu Ngô mình Sở, thường xuyên gặp khó khăn, đòi hỏi phải liên tục cải sửa, song càng sửa càng rối, càng bất cập.
Như trên đã nói, khủng hoảng giáo dục là từ bên trong, tức là chủ yếu do hậu quả của hàng loạt sai hệ thống. Trong đó đáng nêu nhất có một số sai căn bản như sau.
Sai đầu tiên tai hại nhất là về chính sách đối với người thầy
Xuất phát từ quan niệm lệch lạc về sứ mạng và vai trò người thầy trong nền giáo dục hiện đại. Phản ứng lại tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối theo quan niệm “không thầy đố mầy làm nên”, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, đã xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của thầy đối với chất lượng giáo dục.
Với cách hiểu giáo dục thô sơ nặng về cảm tính, khi thì nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm”, khi khác tôn chương trình, sách giáo khoa lên địa vị “linh hồn giáo dục”, nhận định chất lượng đại học thấp “không phải do thầy mà do chương trình”, v.v. dẫn đến hoàn toàn xem thường việc xây dựng đội ngũ thầy giáo theo chuẩn mực giáo dục hiện đại. Trong mọi khâu từ tuyển chọn đến sử dụng và bồi dưỡng người thầy, khâu nào cũng phạm sai lầm lớn. Đặc biệt tệ hại là chính sách lương.
Ngay từ đầu đã bỏ qua kinh nghiệm muôn thuở “có thực mới vực được đạo”, trả lương cho thầy cô giáo dưới mức sống hợp lý, lấy cớ ngân sách eo hẹp (thật ra chỉ là sử dụng ngân sách không hợp lý), bỏ mặc các thầy cô “tự cứu” kiếm thêm thu nhập bằng mọi cách (dạy thêm, làm thêm, đến nỗi không hiếm giảng viên đại học dạy trên 30 giờ/tuần).
Rốt cuộc phần thu nhập thêm đó cũng từ ngân sách hoặc tiền đóng góp của dân mà ra, nhưng cái giá phải trả cho cái nghịch lý lương/thu nhập đó là chất lượng giáo dục bị hy sinh, đạo lý xuống cấp, cần kiệm liêm chính mất dần, gây ra tình trạng hỗn loạn rất khó đảo ngược để lập lại trật tự, dân chủ, văn minh trong giáo dục.
Sai lớn thứ hai là chú trọng thi hơn học
Có quá nhiều kỳ thi “quốc gia”, mà thi theo cách học thuộc lòng, sao chép bài mẫu, lại thiếu nghiêm túc, sinh ra hội chứng thi rất đặc biệt của giáo dục VN, tái diễn cảnh lều chõng xa xưa ngay giữa thời toàn cầu hóa và kinh tế tri thức (với tâm lý rớt thi đặc trưng “đau quá đòn ghen, rát hơn lửa bỏng, hổ bút hổ nghiên, hổ lều hổ chõng”). Có thể nói không ngoa, muốn hiểu thực chất việc học ở VN như thế nào chỉ cần quan sát xã hội VN trong mùa thi.
Thực học hay hư học, học để biết, để làm, để sống cuộc sống hữu ích, hay học để làm gì, tất cả đều phơi bày ra hết ở mùa thi. Trên thì Bộ Giáo dục & Đào tạocó cả một bộ máy đồ sộ để nghiên cứu nghĩ ra cách tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi, thanh tra, giám sát thi, mỗi năm một kiểu, dưới thì các lò luyện thi, các lớp học thêm, dạy thêm, các máy sao chụp đua nhau hoạt động phục vụ học sinh đi thi. Suốt mấy năm trời hết ba chung rồi hai chung, hết tự luận rồi trắc nghiệm, thảo luận không dứt, nhưng không hề băn khoăn: có cần thiết bấy nhiêu kỳ thi và thi căng thẳng như vậy không?
Mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ bớt các kỳ thi và thay đổi cách thi, nhưng với sức ỳ cố hữu của cơ quan quản lý, phải mất tám năm mới bỏ được cách thi kỳ quặc dựa theo bộ đề thi có sẵn, sau đó nhiều năm mới bỏ được thi tiểu học, thi THCS. Còn lại hai kỳ thi căng thẳng tốn kém nhất là thi THPT và thi tuyển sinh đại học, dự kiến kết hợp lại làm một, cũng là một tiến bộ dù chỉ mới nửa vời. Ở đại học, do đào tạo theo niên chế nên “thi tốt nghiệp” theo cách nặng nề, hình thức mà ít hiệu quả.
Từ cách thi nhiêu khê sinh ra lắm dich vụ ăn theo kỳ lạ ở mọi cấp: kỹ nghệ “phao” thi, thi thuê, viết luận án thuê, làm bằng giả, bằng thật nhưng học giả, v.v. Cho nên chừng nào còn thi kiểu này, còn học chỉ để thi, thì hư học còn phát triển, gây lãng phí lớn cho Nhà Nước và cả xã hội. Nếu tính hết mọi khoản chi trực tiếp và gián tiếp phục vụ cho các kỳ thi thì tốn kém lên tới con số khủng khiếp khó có thể chấp nhận.
Sai lớn thứ ba là chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng
Bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, khiến việc hội nhập khó khăn và không cạnh tranh nổi ngay với giáo dục các nước trong khu vực. Điều này rõ nhất, nghiêm trọng nhất ở cấp đại học và cao học (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ). Thật ra, từ giữa thế kỷ XX mâu thuẫn gay gắt giữa số lượng và chất lượng đã xuất hiện phổ biến trong phát triển giáo dục ở hầu hết các nước trên thế giới.
VN càng không phải là ngoại lệ, nhưng VN đi sau, có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước để tránh sai lầm. Tiếc rằng nhiều kinh nghiệm tốt ở các nước đã không được áp dụng, hoặc áp dụng không thành công, chủ yếu vì thiếu nghiên cứu cho thấu đáo và không có cách nhìn hệ thống (đào tạo nghề, đại học đại cương là những ví dụ). Trong thời đại toàn cầu hóa, muốn hội nhập thành công, phải hiểu biết và tôn trọng luật chơi, trước hết là các quy tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Thế nhưng từ các chuẩn mực thông thường xây dựng một đại học về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cho đến việc tuyển chọn, đánh giá GS, PGS, tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá công trinh nghiên cứu khoa hoc, đánh giá các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, đánh giá các đại học v.v. phần lớn đều không theo những chuẩn mực quốc tế mà dựa vào những tiêu chí tự sáng tác, nặng về cảm tính thô sơ, rất thấp và rất khác so với quốc tế, thiếu khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng mưu lợi ich riêng cho từng nhóm thay vì phục vụ sự nghiệp chung.
Với cách quản lý xô bồ đó, số phế phẩm tuôn ra xã hội ngày càng đông, tài năng làng nhàng chiếm ưu thế, rồi phế phẩm thế hệ 1 sản xuất ra phế phấm thế hệ 2, cứ thế thành cái vòng xoáy trôn ốc nhấn chìm giáo dục trong một mớ bòng bong, không gỡ ra được (tình hình lộn xộn về các bằng cấp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và các chức danh GS, PGS hay các danh vị khác đã khiến các sản phẩm giáo dục VN mất giá thảm hại trên quốc tế).
Khó khắc phục năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành
Sau cùng, mà có thể là nguyên nhân quan trọng nhất, tuy khó khắc phục nhất, là năng lực yếu kém của bộ máy tham mưu, quản lý và điều hành. Xây dựng giáo dục để hội nhập thành công trong thời toàn cầu hoá và kinh tế tri thức đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp cao và một tinh thần trách nhiệm lớn.
Đó là khâu đầu tiên phải giải quyết đúng, phải “thắng”, thì mới bảo đảm thành công. Cho nên khi giáo dục lâm vào khủng hoảng toàn diện thì nguyên nhân thất bại đầu tiên phải tìm ngay trong khâu mấu chốt đó.
Không thể đổ cho thiếu tiền, vì tuy một số lĩnh vực như đại học cần thật sự được tăng đầu tư, nhưng nhìn chung, quản lý tài chính trong toàn ngành yếu kém, thiếu minh bạch, không tạo được niềm tin tăng đầu tư cho giáo dục sẽ tăng chất lượng tương ứng.
Một ví dụ: Một đề án 6 năm để phát triển giáo dục đại học được đâu tư 115 triệu USD (trong đó vay của World Bank 85 triệu), mới thực hiện được vài năm đã bị WB dọa đình chỉ vì quản lý quá kém, thế nhưng sau đề án đó lại tiếp tục một đề án khác 70,5 triệu USD trong đó khoảng gần 5 triệu USD chỉ để… nâng cao năng lực quản lý của Bộ GD và ĐT.
Chỉ một thông tin như thế đủ cho thấy trình độ chuyên nghiệp của bộ máy quản lý yếu kém đến mức nào. Mà đó chỉ là một đề án. Xung quanh Bộ Giáo dục & Đào tạocó nhiều vụ, viện với biên chế rất lớn, từng có thời gian dài có bộ phận biên chế đến 500 người mà năng suất rất thấp, mặc dù đã tốn hàng nghìn chuyến đi nước ngoài với danh nghĩa học tập kinh nghiệm … viết sách giáo khoa.
Hằng năm khoản chi để “bồi dưỡng năng lực quản lý” theo kiểu đó đã ngốn một phần công quỹ lớn thì còn đâu ngân sách trả lương đàng hoàng cho thầy cô giáo! Ở TƯ đã vậy thì ở các địa phương cũng lặp lại mô hình đó, sự thiếu chuyên nghiệp, cọng với thiếu công tâm, là đặc trưng nổi bật của bộ máy quản lý, đẻ ra một kiểu quản lý tập trung quan liêu, thiếu trách nhiệm và kém hiệu quả.
Bên cạnh Bộ Giáo dục & Đào tạothiếu chuyên nghiệp mà rất cồng kềnh, còn có một Hội đồng Quốc gia Giáo dục với nhiệm vụ giúp sự chỉ đạo của Chính Phủ và một Hội đồng Chức danh GS, PGS lo việc xem xét công nhận các chức danh này. Thành phần chủ chốt của cả hai hội đồng đều có nhiều người chỉ hiểu biết hời hợt về giáo dục hiện đại, nhất là đại học, cho nên có thể nói ảnh hưởng khá tiêu cực đối với sự phát triển giáo dục.
Tình trạng sa sút của giáo dục đại học vừa qua có một phần trách nhiệm rất quan trọng của chính hai hội đồng này. Với một bộ máy quản lý vừa thiếu chuyên nghiệp vừa quan liêu như thế, không lạ gì chủ trương coi giáo dục cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu đã gần như bị vô hiệu hóa hoàn toàn, và hơn mười năm sau khi đề ra chủ trương đó nhiệm vụ chấn hưng giáo dục và khoa học đặt ra càng gay gắt hơn bao giờ hết.
3. Lối ra nào?
Trước tình hình khủng hoảng của giáo dục, năm 2004 đã có một bản kiến nghị của 24 tri thức, chuyên gia trong nước và Việt kiều kêu gọi cải cách giáo dục toàn diện và mạnh mẽ. Cách đây gần một năm, trong một bài viết đầy tâm huyết, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc lại và nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng để chấn hưng giáo dục.
Rồi cách đây vài tháng, một nhóm 11 chuyên gia Việt kiều và trong nước cũng đã có một đề án mới về cải cách giáo dục. Gần đây nhất nhóm nghiên cứu về giáo dục do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì lại đưa ra một kiến nghị nữa về cải cách giáo dục. Đủ thấy tình hình thật sự nước sôi lửa bỏng trên mặt trận giáo dục. Chưa bao giờ xã hội có mối quan tâm lo lắng nhiều như hiện nay đối với việc học của con em.
Thật ra không phải chỉ mấy năm qua khủng hoảng giáo dục mới được nhận dạng, mà ngay từ năm 1995, trong một hội nghị lớn do Thủ Tướng Võ Văn Kiệt hồi ấy triệu tập và chủ trì đã có ý kiến thẳng thắn nêu lên thực trạng nguy kịch của giáo dục và lên tiếng kêu cứu cho ngành này.
Nhìn thẳng
Nhiều nhận định và kiến nghị tâm huyết đề xuất trong hội nghị đó và một loạt hội thảo tiếp theo đã được tiếp thu và ghi nhận trong nghị quyết TƯ II khóa 8, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nhận thức và tư duy lãnh đạo đối với giáo dục. Nhưng từ đó đến nay giáo dục vẫn ì ạch, chưa có dấu hiệu bứt ra được khỏi thế trì trệ triền miên. Thật đáng buồn khi giở ra xem lại báo chí thời đó, hóa ra những nhận định và đánh giá 15 năm trước bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.
Thế mà trong 15 năm ấy thế giới đã đổi thay biết bao, ngày càng phẳng và trí tuệ hơn, có biết bao cơ hội mới đã mở ra, đồng thời biết bao thách thức lớn ở phía trước ! Điều gì sẽ xảy ra cho đất nước 15 năm nữa nếu vẫn sức ỳ này chi phối giáo dục?
Trong thực tế, dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo dục & Đào tạocũng như bất cứ ai đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có điều, để khắc phục các vấn nạn ấy, ngành giáo dục thực hiện những sửa đổi vụn vặt, chắp vá, chậm chạp, thiếu nhất quán, nên tác dụng và hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng các vấn nạn kéo dài triền miên hết năm này qua năm khác, ngày càng trở nên phức tạp vượt quá tầm kiểm soát.
Phân ban hay không phân ban?
Sức ỳ và tinh thần ngại thay đổi, cộng với tính thiếu chuyên nghiệp biểu hiện rõ nhất trong vấn đề thi cử và phân ban. Suốt hơn hai chục năm trời, những cải cách về thi cử chỉ đạt được kết quả là bỏ thi theo bộ đề thi (mất 8 năm), bỏ thi tiểu học, thi THCS (mới cách đây vài năm), kết hợp thi THPT với thi tuyển sinh đại học làm một (giải pháp nửa vời chưa tốt lắm), nhưng chưa bỏ được mà còn tăng cường thi tốt nghiệp ở đại học.
Về việc chương trình THPT có nên phân ban hay không, và phân ban như thế nào, thì loay hoay mãi 15 năm trời, thí điểm đi thí điểm lại các phương án phân ban kiểu cũ (theo hướng chuyên môn hóa dứt điểm từ lớp 10 hay 11), sau thất bại nhiều lần đến năm 2006 mới bắt đầu sửa theo kinh nghiệm các nước tiên tíến, nhưng cũng chỉ sửa nửa vời vì vẫn tiếc rẻ chương trình, sách giáo khoa đã trót soạn và in theo tinh thần phân ban cũ từ mấy năm trước.
Trong cả hai chuyện (thi cử và phân ban) , sở dĩ mò mẫm mãi và cải cách chỉ đến nửa vời là vì xuất phát từ tư duy giáo dục cũ kỹ: Coi nhẹ văn hóa phổ quát, muốn chuyên môn hóa dứt điểm rất sớm, do đó phổ thông thì phân ban, đại học thì học theo niên chế (đào tạo theo chuyên môn hẹp), cả phổ thông và đại học đều phải thi tốt nghiệp.
Trong khi đó nếu xuất phát từ quan điểm coi học chứ không phải thi là chính, trọng văn hóa phổ quát, không chuyên môn hóa dứt điểm quá sớm, nhằm tạo điều kiện cho người học có khả năng hợp tác liên ngành và khả năng thích nghi với môi trường ngành nghề thường xuyên biến động trong thời kinh tế tri thức.
Do đó học theo chế độ tín chỉ, thi theo từng học phần dứt điểm, không có thi tốt nghiệp mà cứ hội đủ số tín chỉ theo yêu cầu thì tôt nghiệp. Như vậy, thich hợp hơn với các điều kiện làm viêc thực tế hiện đại, không bị áp lực thi cử quá nặng nề, giảm bớt stress học tập cho giới trẻ.
Nhìn lại vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và xét duyệt chức danh GS, PGS
Hai vấn đề lớn khác là chế độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, và chế độ xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS. Đây là hai lĩnh vực công tác có nhiều sai lầm nghiêm trọng tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống giáo dục nhưng trong suốt ba mươi năm vẫn được duy trì hầu như không thay đổi.
Nhiều kiến nghị liên tục của chuyên gia trong nước và Việt kiều kêu gọi chấn chỉnh hai công tác này đều bị xếp xó. Mãi đến mấy năm gần đây một số kiền nghị ấy mới bắt đầu được nghiên cứu và chấp nhận một phần, nhưng khi thực hiện lại cũng trì hoãn thêm một số năm nữa, không ai hiểu vì lý do gì. Sự ngập ngừng, tiến vài bước rồi lại lùi, có khi quay ngược 180 độ, biểu hiện tư duy lấn cấn, chưa thông suốt, chưa sẵn sàng đổi mới, ngay cả khi sự cấp thiết phải thay đổi đã quá rõ và đã được chính thức thừa nhận.
Bấy nhiêu kinh nghiệm thất bại là những bài học cho thấy không thể chấn hưng giáo dục bằng những cải cách nửa vời, chậm chạp, tùy tiện, như ngành giáo dục đã làm hơn hai mươi năm qua. Ngay những biện pháp tich cực hai năm gần đây, tuy rất cần thiết và đáng hoan ngênh, cũng chỉ mới có tác dụng sửa sang bề ngoài bộ mặt nhà trường cho dễ coi, chứ thật sự chưa động tới cốt lõi.
Chống tiêu cực phải chống tới gốc
Chẳng hạn, chống tiêu cực trong thi cử chỉ mới làm cho quang cảnh thi cử sạch sẽ hơn chứ chưa động tới cái gốc của hội chứng thi; chống hành vi xâm phạm nhân phẩm học sinh của một bộ phận thầy giáo chỉ mới cải thiện chút it hình ảnh người thầy chứ chưa động tới các nguyên tắc giáo dục trong nhà trường hiện đại (thầy chẳng những không được đánh đập, mà cũng không được quở mắng, làm nhục học sinh trươc lớp, dù chỉ với ý tốt để răn dạy các em).
Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm tràn lan, giải quyết vấn nạn bỏ học, ngồi nhầm lớp chưa hề động tới nguyên tắc công bằng trong giáo dục; kế hoạch đào tạo hai vạn tiến sĩ chưa động tới cốt lõi vấn đề tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học.
Trong khi những đề nghị cải cách nhằm tới một nền giáo dục hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh, đều rất khó được tiếp thu thì ngược lại nhiều ý tưởng về tự do hoá và thị trường hoá giáo dục lại được hưởng ứng với một nhiệt tình mù quáng, tưởng như đó là chiếc đũa thần để chữa mọi căn bệnh trầm kha của giáo dục VN.
Đặc biệt, chưa nghiên cứu kỹ để hiểu đúng tinh thần cuộc cải cách quản lý đại học gần đây ở các nước phát triển đã vội vã noi theo họ đề ra chủ trương phiêu lưu cổ phần hóa đại học công và phát triển đại học tư vì lợi nhuận mạnh hơn cả ở các nước ấy, gây lo lắng cho nhiều tầng lớp xã hội trước sự buông lơi trách nhiệm của Nhà Nước đối với giáo dục.
Như chúng tôi đã phát biểu trong bản kiến nghị năm 2004, trước tình hình khủng hoảng kéo dài của giáo dục, chỉ có một lối ra tiết kiệm và nhanh chóng là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để, nhằm xây dựng lại hệ thống giáo dục từ gốc, tiến tới một nền giáo dục thật sự hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, và tạo tiền đề cho đất nước hội nhập quốc tế thành công.
Cải cách GD là mệnh lệnh của cuộc sống
Đó thật sự là mệnh lệnh cuộc sống, nếu chúng ta không muốn bị đẩy ra ngoài lề thế giới văn minh ngày nay. Tốt nhất Chính Phủ nên thành lập một tổ đặc nhiệm, độc lập với Bộ GD và ĐT, chịu trách nhiệm xây dựng trong thời hạn 12 tháng một đề án cải cách giáo dục toàn diện kèm theo một lộ trình thực hiện đề án đó sau khi được Chính Phủ đồng ý để trình Quốc Hội thông qua.
Tổ đặc nhiệm này cần có một nòng cốt gồm một số không nhiều (dưới 5) những chuyên gia thật sự có năng lực và thật sự am hiểu giáo dục hiện đại, làm việc toàn thời gian, và bên cạnh đó môt hội đồng rộng hơn, làm việc bán thời gian, gồm có đại diện Bộ GD và ĐT, các nhà khoa học, nhà văn hóa, và doanh nhân.
Trong thời gian chuẩn bị đề án cải cách căn cơ, nên gác lại việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 (cần rút kinh nghiệm về thất bại của chiến lược phát triển giáo dục 2000-2010 do Bộ Giáo dục & Đào tạođã xây dựng).
Đồng thời, để tạo cơ sở và mở đường chuyển sang cải cách toàn diện cần tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách về những lỗi hệ thống trầm trọng đã nêu ở trên:
- Chính sách đối với thầy cô giáo, đặc biệt là nghịch lý lương/thu nhập hiện nay.
- Thi cử và đi liền với nó là phân ban ở THPT và chế độ tín chỉ ở đại học.
- Nhấn mạnh chất lượng và chuẩn mực thay vì chạy theo số lượng, bất chấp chuẩn mực.
- Cải tổ quản lý (đặc biệt quản lý tài chính), khắc phục bệnh tập trung quan liêu, tăng tính chuyên nghiệp và tính trách nhiệm, chống lãng phi, tham nhũng trong nội bộ ngành.
Trên thực tế, từ hai năm nay Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có nhiều cố gắng để kéo cổ xe giáo dục ra khỏi sa lầy, vực giáo dục lên nhằm đáp ứng các yêu cầu bức thiết hội nhập và phát triển kinh tế và nguyện vọng chính đáng của người dân được hưởng một nền giáo dục công bằng, dân chủ, hiện đại.
Giờ đây cả nước, từng gia đình, không ai không thấm thía những hậu quả của khủng hoảng giáo dục. Mong rằng trong hoạ này cũng có cái may, và đây chính là cơ hội lịch sử để nền giáo dục tự ý thức đầy đủ sự yếu kém của minh, tìm thấy trở lại động lực mạnh mẽ để phát huy tiềm năng và vươn lên hoàn thành sứ mạng cao cả trong giai đoạn đầy trách nhiệm đối với tương lai đất nước.