Đừng đổ lỗi...
Cả chục năm nay Trung ương đã có nhiều nghị quyết đúng đắn chỉ rõ những bất cập, yếu kém của GD. Nhà nước và xã hội đã đầu tư nhiều cho GD, ngành GD cũng đã cố gắng hết sức. Nhưng không kỳ họp Quốc hội nào không nêu lên những bức xúc của xã hội về GD.
Vậy chỉ có một trong hai điều: hoặc là ta làm đúng, làm tốt về cơ bản, còn tụt hậu là không tránh được do sức của ta chỉ có vậy, nhân dân hãy gắng chịu, không nên kêu ca; hoặc là có gì đó không ổn, không ổn từ gốc, kìm hãm tiềm năng trí tuệ của ta, chứ nếu sửa cái gốc kia để phát huy hết tiềm năng thì đất nước nghìn năm văn hiến này đâu dễ thua kém ai.
Tôi cho rằng nhận định sau mới đúng với thực tế và mới đưa lại cho chúng ta đủ ý chí và quyết tâm chấn hưng GD, làm cuộc cách mạng trong GD để dựa vào đó mà thanh toán nghèo nàn, lạc hậu.
Đó mới chính là thái độ trách nhiệm nghiêm chỉnh, mới không phụ lòng mong mỏi của nhân dân, không phụ sự cố gắng của giáo viên, không phụ lòng tin của học sinh, không phụ truyền thống tốt đẹp của xã hội.
Thật đáng buồn còn có nhiều người vô cảm đến mức coi thường các bức xúc của xã hội, của người dân, họ coi những bức xúc ấy là vô căn cứ, là bi quan không đúng.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng với các nhà giáo ngày 12-7, tôi có nghe một cô giáo trẻ ở Ninh Bình kể lại với lương tháng 800.000 đồng, sau khi trừ nhiều khoản đóng góp còn lại 600.000 đồng để sống và nuôi con mà vẫn vui vẻ làm nhiệm vụ.
Cho nên, với tình hình quản lý như vừa qua mà GD còn được thế này, thật sự đó là kỳ công của đội ngũ giáo viên mà chỉ trừ một số ít con sâu làm rầu nồi canh, còn lại ta phải gọi họ là những anh hùng. Hoàn toàn không nên đổ lỗi cho họ. Lỗi chính là tại chúng ta quá vô cảm trước những khó khăn của họ.
Nếu cứ để GD nhếch nhác như hiện nay rồi sẽ đến lúc suy sụp, chúng ta nói nguy kịch là như vậy, nói để cùng nhau suy nghĩ, để tích cực tìm đường ra, thay vì bàng quan đứng nhìn sự suy sụp đó. Mong rằng tới đây chúng ta sẽ nhận rõ hơn mức độ khủng hoảng của GD và tập trung sức giải quyết để GD thật sự là quốc sách hàng đầu.
aĐừng đổ lỗi cho cái nghèo. Có thể nói không đâu người ta xài ngông cho GD như ở ta. GD của ta kém chủ yếu không phải do ta nghèo.
Đầu tư của xã hội cho GD, kể cả tiền vay nước ngoài mà con cháu ta sẽ phải nai lưng ra trả, không đến nỗi quá thiếu; đội ngũ giáo viên phổ thông của ta còn nhiều tiềm năng, nếu chấn chỉnh quản lý, cắt bỏ mấy “khối u” dị dạng về thi cử, dạy thêm học thêm, sách giáo khoa, cương quyết hiện đại hóa, tôi tin rằng chỉ mấy năm GD phổ thông sẽ đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực.
Cái đáng lo hơn nhiều, rất nhiều là dạy nghề và GD đại học. GD đại học lại đi liền với khoa học, mà cả hai khâu này đang trì trệ, đang tụt hậu.
Vấn nạn thi cử trong nhà trường
Ba năm gần đây, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, việc thi cử đã có một số cải tiến đáng hoan nghênh, nhưng vẫn chưa có thay đổi cơ bản mà còn nặng nề, tốn kém, ít hiệu quả. Với cách thi cử này, dù cải tiến vẫn chưa chấm dứt được kiểu học để thi, học thuộc lòng máy móc, chưa chấm dứt được tệ dạy thêm học thêm tràn lan, luyện thi vô tội vạ.
Ngoài số giờ học chính khóa ra học sinh ở các thành phố phải học thêm trung bình 7-10 tiết nữa, mà nội dung cũng chỉ là học lại chương trình chính khóa. Chưa kể việc luyện thi mà như nhiều bài phóng sự mô tả đã biến thành một thứ công nghiệp.
Tôi không hiểu học mà cứ suốt ngày lên lớp nghe giảng như thế thì còn đâu thì giờ suy nghĩ, tiêu hóa kiến thức. Học cách ấy mà đầu óc không mụ mị đã là may chứ làm sao mở mang được trí tuệ.
Không ai nghĩ bộ muốn như vậy, nhưng trên thực tế nhiều chủ trương, từ chương trình, sách giáo khoa cho đến cách dạy, thi cử, đánh giá dường như đều khuyến khích lối dạy và học lạc hậu. Chương trình quá tải, chủ yếu vì ôm nhiều phần cổ lỗ không cần thiết, học nhiều thứ vô bổ có khi chiếm tới 15-20% thời lượng học.
Trong khi ấy nhiều vấn đề thiết thực hoặc có tác dụng rèn luyện tư duy và kỹ năng cần thiết trong đời sống hiện đại lại không được chú trọng. Phương pháp dạy cũ kỹ, nhiều phần chẳng khác gì cách đây 40-50 năm, càng làm cho cảm giác quá tải thêm nặng nề.
Nhiều học sinh khi ra học ở nước ngoài mới vỡ lẽ là trong nước học hành quá ư cực nhọc. Ta nói chống học tủ, học lệch mà cứ đầu học kỳ thông báo sáu môn thi tốt nghiệp, thế là nhiều nơi bỏ hết các môn còn lại để dồn vào các môn thi. Như thế đâu phải chỉ lỗi tại giáo viên mà còn do chỉ đạo từ bộ.
...Và sự mê hoặc của những chức danh ảo
Không nên chỉ so sánh mình với mình, nếu cứ đóng cửa lại thì bao giờ chẳng thấy mình tiến. Điều quan trọng hơn là nhìn ra ngoài, xem khi ta tiến một bước thì thiên hạ đã tiến bao nhiêu bước, khoảng cách giữa ta với họ rút ngắn được chừng nào. Nếu không có ý thức đó thì không thể tiến kịp người ta, không thể hội nhập thành công.
Lấy ví dụ, số giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) của ta nhiều hơn một số nước khác có trình độ GD hơn ta, nhưng thật ra trong số đó nhiều người chỉ là hữu danh vô thực, trình độ quá thấp so với chức danh. Có bao nhiêu vị như vậy? Có lần tôi nói ít ra cũng đến 1/3, lập tức một vị phản đối kịch liệt. Có thể vị ấy lo bị miễn nhiệm, nhưng theo tôi cái chính không phải để miễn nhiệm ai cả, mà nêu ra để rút kinh nghiệm cho tương lai.
Về sau chính một quan chức trong hội đồng chức danh GS, PGS cũng phải thừa nhận: “Không phải chỉ 30% mà đến 80% GS, PGS của ta chưa xứng đáng theo tiêu chuẩn quốc tế”, nhưng giải thích thêm “tuy nhiên, ta xét GS, PGS theo tiêu chuẩn của ta”.
Nghĩa là GS, PGS của ta là GS, PGS của VN thôi, xin đừng so với quốc tế, đừng so với ngay cả những nước láng giềng! Trách gì đại học của ta không tụt hậu, đứng áp chót trong khu vực. Bổ sung vào đội ngũ GS, PGS hùng hậu đó gần đây lại có thêm mấy tá viện sĩ nữa, cứ nhìn vào con số ấy thì VN đâu có kém nước nào.
Tiếc thay, trên quốc tế và trong khoa học người ta không bị mê hoặc bởi các thứ chức danh ảo. Lẽ ra chúng ta cần biết khiêm tốn và trung thực hơn. Ta cứ trách các trường phổ thông báo cáo thành tích ảo, chất lượng ảo, sao không băn khoăn về sự gia tăng tiến sĩ, viện sĩ, PGS, GS ảo? |