Nền kinh tế thị trường tự do từ xưa đến nay luôn cần có và đánh giá cao sự cạnh tranh rộng rãi giữa các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Ví dụ, có năm hoặc sáu nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới cùng cạnh tranh trên thị trường người sử dụng tiền đôla Mỹ, nhất định sẽ có những sản phẩm tốt nhất được đem chào với người tiêu dùng với mức giá tối thiểu có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, đâu là nhân tố tạo ra sự xuất chúng trong một tổ chức, một doanh nghiệp đang cạnh tranh trên thị trường để được cung cấp những sản phẩm hay dịch vụ nào đó nhằm thu lại lợi nhuận. Vấn đề đặt ra là một trong những ưu điểm của cạnh tranh: ai có thể tìm ra phương pháp giúp mọi người làm việc và hợp tác cùng nhau để tối đa hoá khả năng của chính bản thân mình đồng thời khai thác toàn bộ tiềm năng của tập thể và hiệu quả doanh nghiệp.
Chúng ta vẫn đang hàng ngày chứng kiến sự cạnh tranh trên mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Ai cũng cố gắng thành công trên một vài lĩnh vực quan trọng đối với mình. Elliott Aronson, một nhà tâm lý xã hội học đáng chú ý, đã rút ra nhận xét là: "Người Mỹ được giáo dục là thành công có nghĩa là chiến thắng, coi làm tốt một việc nghĩa là hạ được một đối thủ", như thế có nghĩa là chỉ có cạnh tranh mới có thành công, chỉ có những người đặt lợi ích của bản thân mình lên trên hết mới thành đạt.
Thực tế, thành tích cá nhân cũng như tập thể luôn luôn cao hơn khi mọi người hợp tác với nhau thay vì ganh đua. Kết quả của cạnh tranh là khiến cho một người thành công trên thất bại của người khác, và đương nhiên điều đó phá huỷ và làm giảm hiệu quả làm việc.
Kết quả trên được rút ra từ kết quả điều tra của Alfie Kohn và một số cuộc khảo sát khác trong cuốn sách xuất sắc của ông với tựa đề Không ganh đua: chống lại cạnh tranh. Kohn đưa ra dẫn chứng bằng nghiên cứu về vấn đề cạnh tranh và hợp tác trong môi trường làm việc truyền thống và ảnh hưởng của chúng đến hiệu suất làm việc của Peter Blaud thuộc trường đại học Colombia. Blaud tiến hành điều tra trên hai nhóm nhân viên của một chi nhánh giới thiệu việc làm đang thi đua xem nhóm nào tuyển dụng được nhiều nhân viên hơn. Nhóm thứ nhất gồm những người có tham vọng và luôn nghĩ đến những thành tích cá nhân mà họ đã đạt được. Do đó họ giữ kín việc thông báo tuyển dụng và giữ danh sách những ứng cử viên có khả năng cho riêng mình. Trong khi đó, thành viên của nhóm thứ hai lại thường xuyên cộng tác với nhau và trao đổi những thông tin quan trọng. Kết quả là họ đã chiến thắng.
Kohn còn đưa ra kết quả của bảy cuộc điều tra khác do tiến sĩ Robert Helmreich, một nhà tâm lý thuộc trường đại học Texas, tiến hành trong suốt những năm 80, tất cả đều cho thấy là cạnh tranh làm giảm hiệu suất làm việc.
Trong một công trình nghiên cứu, Helmreich muốn xác định mối quan hệ giữa thành công và cá tính con người, định hướng nghề nghiệp, sự tinh thông (được coi là ưu điểm của những công việc nhiều thử thách) và cạnh tranh. Kết quả điều tra 103 nhà nam khoa học cho thấy những người nhận được nhiều biểu dương khen ngợi của đồng nghiệp nhất, đạt điểm cao về định hướng nghề nghiệp và sự thành thạo công việc nhưng lại có số điểm thấp về tính cạnh tranh.
Kohn chỉ ra là rất nhiều trong số những công trình nghiên cứu này đánh giá thành công trên khía cạnh chất lượng như tốc độ và đơn vị sản phẩm bởi đây chính là yếu tố tạo điều kiện cho cạnh tranh phát triển, điều đáng nói là hợp tác ghi số điểm rất cao trên phương diện này. Một số thí nghiệm khác vào những năm 20 của thể kỷ này đã kết luận là khi thi đua với nhau, công nhân sản xuất ra lượng hàng hoá lớn hơn nhưng khi số lượng sản phẩm tăng lên thì chất lượng lại giảm.
Kohn đi đến một kết luận chắc chắn về nguyên nhân khiến cho hợp tác luôn đem lại kết quả cao hơn so với cạnh tranh trong các công trình nghiên cứu của mình. Ông tin là tư tưởng cạnh tranh, chỉ có được hoặc mất sẽ làm người ta căng thẳng và lo lắng nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là vì người ta thực sự có khả năng thất bị trong cuộc đua, điều này thật dễ hiểu nhất là trong học tập.
Ông còn kết luận là hợp tác làm phát triển kỹ năng và tiềm năng tẩo hiệu quả. Nói một cách khác, trí tuệ tập thể bao giờ cũng tuyệt vời hơn toàn bộ trí tuệ của một cá nhân làm việc đơn lẻ. Trong môi trường hợp tác, mọi người cùng muốn làm việc và giúp đỡ lẫn nhau đạt được thành tích; trong môi trường cạnh tranh, mọi người cố gắng làm việc hết sức mình để chứng kiến sự thất bại của người khác.
Cuối cùng, Kohn cho là môi trường cạnh tranh chú trọng vào việc thúc đẩy người ta làm việc xuất sắc hơn người khác chứ không phải là cùng nhau làm việc tốt. Khi chú trọng vào việc thể hiện cá nhân, việc thể hiện của toàn nhóm đương nhiên sẽ giảm đi. Thực ra, cả hai cùng giảm nếu ai cũng chỉ quan tâm đến việc thể hiện mình.
Có lẽ nguyên nhân là cạnh tranh và hợp tác quan tâm đến những hoạt động và nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau. Mục tiêu cơ bản của cạnh tranh là tối đa hoá khả năng của mỗi cá nhân đánh đổi bằng chất lượng công việc và sự đoàn kết tập thể. Trong khi đó, mục tiêu cơ bản của hợp tác lại là tổ chức và khai thác có hiệu quả khả năng của cả cá nhân cũng như tập thể cả về chất lượng lẫn số lượng.
Trong cuốn sách Elbert Hubbard's Scrap Book, Robert Blatchford so sánh cạnh tranh với hợp tác như sau:
Phần lớn chúng ta được dạy dỗ từ khi mới lớn lên rằng cạnh tranh là yếu tố quan trọng đối với sự tiến bộ. Hay nói như Herber Spencer là: "Xã hội phát triển nhờ những phần tử đối kháng". Nhưng trong thực tế chúng ta đều thấy rõ ràng quy luật là hợp tác đem lại những điều tốt đẹp mà cạnh tranh thì không. Xã hội phát triển được là nhờ tương hỗ lẫn nhau của con người. Đó thực sự là một quy luật hiển nhiên đúng. Các lực lượng quân sự hùng mạnh, các doanh nghiệp thương mại và các cá nhân đều lệ thuộc vào hành động tập thể. Không ai tin được là một gia đình tự chia rẽ nhau mà tồn tại được, chắc chắn nó sẽ tan vỡ, một quốc gia bị chia rẽ bởi hận thù nội bộ và bè cánh sẽ sụp đổ trước một đất nước mà nhân dân được tình đoàn kết gắn bó lại với nhau. Một đội bóng đá, một tập thể, một tốp thuỷ thủ, một trường học có những "phần tử đối kháng nhau" sẽ bị chinh phục và thất bại. Một xã hội gồm những phần tử đối kháng không thể được coi là một xã hội và sẽ không thể tồn tại được. Nếu con người phải thành lập và điều khiển các thành phố, xây cầu, làm đường, xây dựng trường học, lái tàu và khai thác mỏ, thiết lập hệ thống giáo dục, chính trị và tôn giáo, họ phải hợp tác chứ không thể chống lại nhau. Đây là sự thực rõ ràng giống như việc sẽ không có tổ ong nếu ong không làm việc theo bầy đàn và giúp đỡ lẫn nhau.
Nguồn - Hãy nghĩ như người thành đạt.