Quan hệ tốt là nhân tố thứ 11 góp phần đem lại thành công và cũng là một trong những chủ đề quan trọng nhất của cuốn sách này. Bất cứ người nào muốn đạt được thành công đều phải phát huy khả năng gây ảnh hưởng và tác động đến người khác một cách có hiệu quả và tích cực theo hướng định sẵn. Để làm được những điều mong muốn cả trên phương diện cá nhân cũng như công việc, bạn cần có sự ủng hộ và hợp tác của những người khác - đây là một niềm tin khắc cốt ghi tâm. Có rất ít việc được hoàn thành mà không có sự giúp đỡ của người khác. Quan hệ tốt là một thành phần cốt yếu trong phương trình kết quả hành động.
Trong chương này chúng ta sẽ xác định và làm nổi bật những nhu cầu và mong muốn cần thoả mãn để khuyến khích người khác hợp tác nhất quán với mình. Chúng ta sẽ hành động trên tinh thần những gì đã hiểu biết về hình tượng và triết lý hình tượng. Bạn sẽ thấy là bạn có rất nhiều thứ mà người khác rất thèm muốn. Và bạn sẽ nhận ra là khi dễ dàng cho đi những thứ người khác cần, bù lại bạn sẽ nhận lại những gì bạn muốn. Đây là vấn đề cốt lõi của mối quan hệ giữa con người với con người.
Để bắt đầu cần phải ý thức được rằng khi người ta đồng ý nhiệt tình cộng tác với bạn là họ cũng phải đạt được lợi ích nhất định cho bản thân. Bạn đừng hy vọng đến sự cho không. Nếu thực hiện tốt, cả hai bên sẽ cùng phát triển và có lợi.
Thuyết phục thay vì cưỡng ép
Về cơ bản, có ba cách chọn lựa khi bạn muốn gây ảnh hưởng với người khác. Cách thứ nhất là lờ họ đi và hy vọng người ta sẽ hành động theo hướng có lợi nhất cho bạn. Có lẽ bạn cũng đồng ý rằng đây không phải là cách thiết thực vì kết quả có thể là không hiệu quả hoặc kết quả không thể đoán trước được. Bằng cách lờ người khác đi, bạn đang từ bỏ hy vọng gây ảnh hưởng đến họ và như vậy là bạn tự đầu hàng số phận. Thật vậy, bạn nói với thế giới là: "Tôi sẽ để mặc anh một mình và để đáp lại, tôi muốn anh phải làm những gì tôi muốn". Đó thật sự là niềm hy vọng ngờ nghệch và hão huyền.
Cách thứ hai là ép buộc, cưỡng bức người khác hành động theo cách mình đề ra. Hăm doạ có thể đem lại kết quả ngay, ít nhất cũng là trong một thời gian ngắn. Sợ hãi không bao giờ có thể khiến người ta làm việc hết khả năng cả bởi vì con người ta chỉ dành hết nhiệt huyết và tâm trí vào công việc chừng nào chính bản thân họ là động lực thúc đẩy họ làm việc. Sợ hãi buộc người ta phải làm việc vì sự sống. Họ có thể tuân theo chỉ dẫn và thi hành mệnh lệnh của bạn nhưng hiếm khi họ cống hiến toàn bộ năng lực và nhiệt tình cho công việc.
Cách thứ ba là thuyết phục người ta làm những gì bạn muốn đơn giản là vì họ thực sự muốn. Người ta sẽ sẵn sàng làm những gì bạn muốn một cách tự nguyện khi họ thấy lợi ích bản thân được phục vụ. Nói một cách khác, bạn phải thuyết phục người ta rằng họ sẽ thực sự đạt được lợi ích và phần thưởng xứng đáng nếu họ làm theo cách bạn gợi ý. Lợi ích đó phải là cái mà người ta hiểu rất rõ và rất mong muốn. Như thế bạn đã đưa ra phần thưởng có giá trị cho người kia và để đổi lại người ta làm việc có giá trị đối với bạn. Phần thưởng giá trị nhất bạn có thể đề nghị người khác là tạo ra có hội tối đa hoá tiềm năng cho họ.
Thế giới càng văn minh, con người càng có xu hướng dùng lý lẽ thuyết phục người khác thay vì dùng sức mạnh ép buộc. Tất nhiên là rất ít người học được cách thuyết phục thành công. Thiếu kiến thức và hiểu biết về cách sử dụng phương pháp mới, rất tự nhiên họ quay trở lại với điều họ đã sử dụng trước đây với một số thành công - cưỡng ép.
Trong thực tế, có những trường hợp dùng sức mạnh là hợp lý. Ví dụ khi có kẻ ác tâm muốn tấn công bạn, muốn chiếm đoạt tài sản của bạn, hay đột nhập vào nhà bạn bằng vũ lực, bạn sẽ thấy rằng thuyết phục tình cảm không phải là cách phản ứng có hiệu quả để bảo vệ mình. Hay trong trường hợp một quốc gia khác định tấn công hay lật đổ chính quyền nước bạn, liệu bạn có định dùng lời lẽ để khuyên giải họ không? Rõ ràng là trong nhiều trường hợp bạn sẽ không chịu lùi bước đầu hàng mà sẽ dùng vũ lực để chống lại.
Vấn đề cơ bản ở đây là trong quan hệ với mọi người chúng ta có xu hướng sử dụng sức mạnh trong nhiều tình huống không cần thiết. Chúng ta thường không chịu thuyết phục người khác hợp tác với mình mà thay vào đó lại để cho tình cảm vượt lên lý trí - tức điên lên được - đánh mất tự chủ và khả năng làm chủ tình thế.
Chúng ta đã tiến rất xa trong việc phát triển những công nghệ vượt bậc để quản lý và điều khiển môi trường giữa con người với con người. Cha mẹ vẫn chưa biết làm thế nào khi con trẻ không chịu ăn bữa tối. Nên chăng quát tháo, mắng mỏ, đánh cho chúng một trận, tống cổ lên giường hay phạt không cho xem buổi chiếu Tivi hôm đó? Hay là dụ dỗ chúng bằng những que kem sau bữa ăn? Các nhà giáo dục học thường phải đối mặt với tình thế khó sử như vậy trên lớp học. Liệu có nên dùng các luật lệ, nguyên tắc nghiêm khắc giáo dục bọn trẻ bằng hình phạt thể xác khi chúng không vâng lời hay để chúng tự do thoải mái bộc lộ bản thân và cá tính của mình? Và nếu như đây là hai thái cực thì đâu là điểm dung hoà?
Rất nhiều người sử dụng phương pháp kết hợp "cây gậy và củ cà rốt" trong giao tiếp với mọi người, một mặt là có phần thưởng, mặt khác là hình phạt thể xác thô bạo. Hãy hình dung ra cảnh củ cà rốt ngon lành đung đưa trước mũi con lừa và một cây gậy thúc sau đít nó. Bằng cách này, con lừa vừa bị thúc đẩy vừa bị thu hút về phía trước và làm theo ý chủ. Trong phép loại suy nổi tiếng này chúng ta không biết là liệu con lừa có được ăn củ cà rốt kia không nhưng chắc chắn là nếu nó không làm theo ý chủ nó sẽ được nếm mùi cây gậy. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều thấy là con lừa không đi theo ý muốn của nó.
Thử thách đối với thế hệ mới chính là sự nâng cao các mối quan hệ cá nhân lên tầm cao mới. Nam, nữ thanh niên tốt nghiệp từ các trường lớp có trình độ học vấn cao thì thường hào hứng, chăm chỉ với công việc mới của họ nhưng hiếm khi họ nhận được những lời công nhận mà họ mong đợi và xứng đáng. Thật không may là ở nơi làm việc mối quan hệ đồng nghiệp không được tốt lắm. Rất nhiều người cho là mình không quan trọng nhưng họ đã lầm. Một kỹ năng cần thiết cho các nhà quản lý các cấp là khả năng ứng xử và gây ảnh hưởng đến người khác thật liên tục, hiệu quả để nhân công có thể làm việc hết sức mình.
Có một vài nguyên nhân khiến chúng ta trì trệ trong việc phát triển khả năng làm việc và sống hoà hợp với nhau. Thứ nhất là, trong lịch sử phát triển của loài người, đã có thời gian dài chúng ta đối xử với nhau như những con thú hoang dã chứ không phải là con người văn minh hiện đại. Chúng ta bắt đầu từ những gia đình nhỏ bé trong các bộ lạc và tồn tại nghĩa là phải đối chọi với các hiểm hoạ trong môi trường. Thức ăn an toàn, nơi chú thân và bảo vệ khỏi thú dữ va các bộ lạc thù nghịch là mối quan tâm chủ yếu. Những người sống sót hiển nhiên là những người có nhiều khả năng vượt qua khó khăn hơn những người đã bị tiêu diệt. Anh ta sống sót không phải vì thuyết phục được kẻ thù là nên sống trong hoà bình-họ thậm chí còn chẳng nói chung một thứ tiếng nữa - mà bởi vì họ đã chiến đấu và chiến thắng. Bản năng sinh tồn này được tiếp nối như sức mạnh đầy quyền năng cho đến ngày nay. Do đó khả năng thuyết phục của ta còn chưa phát triển hoàn thiện và còn kém hơn rất nhiều so với nhiều kỹ năng khác ta đã làm chủ.
Nguyên nhân thứ hai là chúng ta có thể làm mất lòng hay lợi dụng người khác mà người khác không biết đến hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng lâu dài. Rồi sau đó, chúng ta chẳng mấy khi liên hệ lỗi lầm này với thiếu sót khác mà thường quy cho hành vi không tốt là do thái độ hay hoàn cảnh cụ thể chứ không phải do hành vi quá khứ của mình. Chúng ta sẽ lý giải hành động của mình theo cách đó cho tiện, như thế bạn vẫn có thể ngủ ngon vào mỗi tối, vẫn thấy mình tự tin và an toàn trong tính ưu việt của mình, nhưng vẫn có phần mất tinh thần về nhưng điều không đoán trước được hay sự bất hợp tác của những người khác.
Điều này gây ra nguyên nhân thứ ba và có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự chậm tiến trong việc hoà hợp vơi mọi người. Chúng ta bị cái tôi đầy quyền lực chế ngự. Nó buộc chúng ta phải nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm riêng của mình. Chúng ta sẽ đi đến chỗ cực đoan khi phán xét cách cư xử của mình và chứng minh là mình đúng mặc dù rõ ràng là có nghi ngờ mình sai. Chúng ta biết là không dễ gì chấp nhận quy luật của môi trường - một cú nhảy xuống từ một toà nhà cao tầng sẽ lập tức gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng rất bản năng chúng ta sẽ bảo vệ mình khỏi bị khiển trách, thất bại là của người khác. Trong hầu hết mọi trường hợp chúng ta đều tìm một cách nào đó để chứng tỏ là mình đúng còn người kia sai.
Elbert Hubbard, một nhà văn người Mỹ đã viết: "Trong tất cả các ảo tưởng bao quanh loài ngưòi không có gì khôi hài hơn là xu hướng cho rằng mình cao siêu hơn những người không cùng quan điểm cả về đạo đức lẫn trí tuệ".
Dù là khó khăn gì, chỉ với lòng khoan dung, sự hiểu biết, lòng trắc ẩn và tinh thần hợp tác mới giúp chúng ta nhìn thấu đào vấn đề. Mối quan hệ nhân bản không còn chỉ là cái đẹp mà là sự cần thiết. Dĩ nhiên để đạt được trình độ trong giao tiếp cao đòi hỏi có sự tự phân tích bản thân và khám phá tâm hồn. Nó còn đòi hỏi phải học thêm nhiều phương pháp ứng xử trong mối quan hệ trong gia đình và nơi làm việc. Hơn thế nữa, chỉ bằng cố gắng cá nhân chúng ta mới vượt qua được xu hướng tiền sử và bắt đầu có cái nhìn ở tầm cao sự thể hiện bản thân và lòng hy sinh. Mỗi chúng ta phải thể hiện và nâng cao phần thưởng về vật chất cũng như tinh thần, kết quả của mối quan hệ tốt giữa con người . Đưa con người lại với nhau, hợp tác và lao động có hiệu quả, sáng tạo ra tầm cao mới cho sự hoàn thiện và khai sáng loài người thực sự là chiếc chìa khoá dẫn đến thành công.
Nguồn "Hãy nghĩ như người thành đạt"