Động cơ chủ yếu liên quan đến hoạt động kinh doanh nhưng trong thực tế nó ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa người với người trong mọi tổ chức, cơ quan. Động cơ là cách hiểu ngắn gọn của cụm từ "hành động có động cơ", có nghĩa là biểu hiện của sự phấn đấu có mục đích, việc theo đuổi một mục tiêu đáng giá nào đó.
Động cơ xuất hiện khi bạn tạo ra một hay nhiều động lực khiến người khác làm theo ý mình. Ví dụ khi một tên cướp cầm khẩu súng gí vào đầu bạn và rít lên rằng "Muốn sống thì bỏ tiền đây!". Ngay lập tức hắn tạo ra một động cơ thôi thúc bạn làm việc hắn muốn - bạn muốn sống.
Ngày nay, động cơ thúc đẩy người ta làm việc không chỉ là sự cám dỗ của đồng tiền, vì sự an toàn hay vì sợ kỷ luật hoặc nguy cơ bị đuổi việc. Tiền không phải thứ duy nhất mà con người muốn có. Nếu không những người giàu có sẽ là những người hạnh phúc nhất trần gian. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy những người có mức sống trung bình không thích tiền và những thứ tiền có thể đem lại. Nhưng đồng thời, theo bản năng, người ta cũng thích gặp rắc rối và phải đối đầu mà muốn có việc làm ổn định thoải mái.
Các nhà quản lý trong thời đại ngày nay phải hiểu rằng trách nhiệm cơ bản nhất của họ là giúp cho nhân viên của mình làm việc với hiệu quả cao nhất. Điều này có nghĩa là phải khởi tạo và duy trì không khí làm việc tốt và tạo điều kiện thuận lợi để người công nhân có thể phát huy hết khă năng của mình.
MỤC TIÊU CỦA LÃNH ĐẠO LÀ PHẢI LÀM CHO NHÂN VIÊN TỰ NHẬN THẤY ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY HỌ LÀM VIỆC THEO HƯỚNG MONG MUỐN |
Khả năng gây ảnh hưởng lên người khác, khiến họ đem toàn bộ khả năng lên cống hiến cho tổ chức là một tiêu chuẩn thiết yếu của các nhà lãnh đạo. Ngưòi cán bộ lãnh đạo phải làm cho nhân viên tự nhận thấy động cơ hối thúc họ làm việc theo định hướng của mình. Độc đoán, dùng quyền lực một cách thô thiển ép buộc người khác làm theo ý mình là sự đối lập với phương pháp lãnh đạo nói trên. Cần phải luôn đặt ra mục tiêu là làm cho mọi người tự có động cơ mạnh mẽ thôi thúc bởi chỉ cần thế thôi là đã có thể tạo ra kết quả cao.
Có nhiều học thuyết bàn về vấn đề làm thế nào để các nhà quản lý có thể tạo ra động cơ thúc đẩy người khác, trong đó có lẽ chỉ có duy nhất một ý thức chắc chắn đúng là nếu động cơ xuất phát từ bên trong con người ta thì đó nhất định là do nhu cầu và ý muốn tự sâu thẳm trong lòng họ được thoả mãn. Nói một cách khác, môi trường làm việc và công việc phải là được nhân viên yêu thích và có thể đem lại cho họ những lợi ích tâm lý và phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực bỏ ra.
Học thuyết được người ta chấp nhận rộng rãi nhất là học thuyết về những nhu cầu, ham muốn cố hữu của con người mà Abraham Maslow chỉ ra trong cuốn sách cổ điển của mình: Động cơ và tính cách con người. Maslow chia nhu cầu và ham muốn của con người thành năm loại lớn đại diện cho toàn bộ tính cách con người, với những khát khao và động cơ sâu xa nhất như đã trình bày ở những phần trước. Sẽ dễ dàng hơn để hiểu hành vi của con người khi bạn nhận thấy rằng, người ta làm và nói như thế là do họ có những nhu cầu và mong muốn cụ thể mà họ muốn thực hiện. Nhu cầu và mong muốn đó gồm có cả nhu cầu sinh lý như: thức ăn, không khí, nghỉ ngơi, quan hệ tình dục và có nơi che chở. Các khuynh hướng này xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của cơ thể để duy trì bản thân trong tình trạng hài hoà và mạnh khoẻ. Ví dụ như dòng máu phải liên tục duy trì nhiệt độ tiêu chuẩn cùng với lượng nước, muối, đường, protein, mỡ và ôxy nhất định.
Nhu cầu sinh lý là động lực cơ sở nhất của con người. Nếu cùng một lúc, con người bị thiếu ăn, thiếu an toànvà không được xã hội tôn trọng và chấp nhận, lúc đó nhu cầu lớn nhất người ta được thoả mãn là cơn đói. Điều này không có nghĩa là các nhu cầu kia không còn tồn tại nữa. Chúng chỉ tạm thời ẩn đi cho đến khi nhu cầu cấp thấp kia được đáp ứng, một người bị đói mềm chỉ chăm chú vào việc tim kiếm thức ăn cho đến khi nhu cầu cơ sở này được thoả mãn. Tới lúc đó anh ta mới có thể tập trung hơn một chút vào việc khác.
Vậy thì việc gì sẽ xẩy ra khi các nhu cầu cơ sở của người ta đã dược đáp ứng, khi mà dạ dầy của họ đã no căng và các ham muốn, nhu cầu sinh lý khác của họ đã được thoả mãn? Thật giản đơn, các nhu cầu khác với động lực cao hơn xuất hiện và chi phối hành vi của họ.
Nhu cầu tiếp theo là nhu cầu được an toàn,không phải sợ hãi, lo lắng, được bảo vệ khỏi nguy hiểm, đe doạ,.....Con người trong xã hội chúng ta muốn được sống trong thế giới an toàn và có tổ chức để họ có thể biết điều gì sẽ đến với họ trong tương lai. Môi trương an toàn bảo vệ người ta khỏi những điều có hại cả về tâm lẫn sinh lý. một người đói chỉ có thể bình tĩnh, yên ổn được khi có thức ăn làm giảm cơn đói của anh ta, hay một người dang sợ hãi chỉ cảm thấy yên tâm và an toàn khi họ được bảo vệ.
Sau khi cả nhu cầu sinh lý lẫn an toàn được đáp ứng, các nhu cầu xã hội như yêu thương, sự chấp nhận và nhu cầu muốn hoà đồng xuất hiện và chi phố hành vi con người. Ở cấp độ thứ ba này, con người muốn có bạn thân, có những người mình yêu quí và nhu cầu này làm nảy sinh tình cảm. Mối quan hệ với bạn bè, gia đình và tập thể khác rất quan trọng.Nhu cầu xã hội được thoả mãn khi bạn được bạn bè, gia đình và những người khác chấp nhận. Để thoả mãn nhu cầu này, điều cần thiết là phải biết cho và nhận tình yêu thương, biết chấp nhận và được chấp nhận bởi những người khác.
Thật dễ hiểu khi người ta có ba nhu cầu kể trên. Đương nhiên con người ta muốn có những thứ cần thiết cho cuộc sống. Họ muốn có đủ thức ăn, nước uống, không khí, được nghỉ ngơi và được bảo vệ; họ muốn được an toàn, họ cần trao đổi tình yêu thương, cảm mến với người khác. Còn nhu cầu ở cấp độ cá nhân thì phức tạp và khó hiểu hơn nhiều.
Khi một người đã thoả mãn nhu cầu ở ba cấp độ đầu tiên, tự nhiên anh ta muốn được quý mến, tôn trọng, và có nhu cầu được đánh giá cao. Người đó muốn thể hiện sự xuất sắc, tài năng của mình, muốn có uy tín, địa vị xã hội và cơ hội để đạt thành công cao hơn. Một người hành động với động cơ ở cấp độ này có khát khao cháy bỏng thôi thúc không ngừng là được công nhận giá trị bản thân. Nói tóm lại, người ta muốn được người khác thừa nhận và khẳng định tầm quan trọng của mình.
Sự thoả mãn nhu cầu và mong muốn bản ngã có ảnh hưởng tích cực đến tự đánh giá và cảm giác về giá trị bản thân. Trong khi đó, không chấp nhận những nhu cầu và ham muốn này sẽ khiến người ta đánh giá bản thân thấp đi. Điều quan trọng là phải hiểu rằng lòng tự trọng và tính ích kỷ không bao giờ được thoả mãn hoàn toàn. Nó cũng giống như nhu cầu ăn uống không phải lúc nào cũng có nhưng không bao giờ hết bởi vì bạn không thể ăn một lần cho mãi mãi, đối với lòng tự trọng cũng vậy, không thể chỉ thoả mãn nó một lần là đủ. Nó liên tục xuất hiện đi xuất hiện lại, đòi quyền lợi và đòi được bổ sung.
Không thể chỉ dựa trên ý kiến người khác, những yếu tố bên ngoài để đánh giá lòng tự trọng. Nó cần xuất phát từ nội tại con người, từ những động cơ tự tạo, là kết quả của những nỗ lực cá nhân nhằm hoàn thành những việc đáng giá. Người ta thường lấy danh vọng và sự ngưỡng mộ của người ngoài để thay cho động lực thực sự, điều này thường không đem lại thành công và không thay thế được. Sẽ ra sao nếu như bạn được người khác ngưỡng mộ vì nhiều lý do khác nhau nhưng bạn vẫn cho là mình không xứng đáng. Bạn có thể dành được nhiều danh vọng mà vẫn tin là mình không làm được việc gì quan trọng. Bạn có thể là thần tượng của hàng triệu con người nhưng mỗi sớm khi tỉnh dậy bạn vẫn thấy lo sợ và thiếu an toàn. Tóm lại là mọi hành vi của bạn được hình thành và điều khiển bởi suy nghĩ của bạn về mình, bạn là ai, là cái gì?
Chúng ta đi đến cấp độ động cơ cao nhất, tự hiện thực hoá. Đây là cấp độ mà không mấy người đạt được bởi vì rất ít người thực sự có lòng tự trọng cao. Nhu cầu tự hiện thực hoá cần có thử thách để phát huy tối đa khả năng của con người, cần có những cơ hội để cá nhân thể hiện tài năng, có óc sáng tạo và mong mỏi có được sự tự do ý chí nhất định. Chúng đại diện cho phần thưởng lớn nhất đối với mỗi cá nhân là sống với sự đánh giá cao nhất về bản thân mình, và trở thành bất cứ cái gì anh ta có thể.
Có thể tóm lại xu hướng tự hiện thực hoá như sau: "Bạn tin vào điều gì bạn làm được điều đó và phải làm được". Nếu bạn tin mình có thể viết văn, bạn phải viết. Nếu bạn tin là mình hát được bạn phải hát. Nếu bạn tin mình xuất sắc và sẽ thành công trên một lĩnh vực, bạn phải thử sức mình. Khao khát tự bên trong con người bạn sẽ không bao giờ mất đi mà nó sẽ tìm được cách hành động và trở thành hiện thực.
Không ai có nhu cầu và tham vọng giống ai. Có người muốn giành được phần thưởng về tài chính hơn là tình cảm. Động cơ của mỗi con người là kết quả của kiến thức và giáo dục. Nhu cầu còn thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn như người ta thường ít quan tâm đến sức khoẻ khi còn trẻ hơn lúc tuổi già. Vì thế, muốn thúc đẩy người khác làm việc tốt cần phải hiểu biết về tính cách của cá nhân đó để tạo ra động cơ phần nào thoả mãn được nhu cầu của họ.
William James đã nhận ra điều này từ nhiều năm trước đây khi ông viết "Nếu chúng ta đặt ra câu hỏi "Điều đáng quan tâm nhất của cuộc sống là gì?" Câu trả lời nhận được nhiều nhất sẽ là: "Là hạnh phúc". Làm thế nào để có được hạnh phúc, duy trì và tái tạo lại nó chính là động cơ ẩn giấu đằng sau mọi việc ta làm, mọi điều ta chấp nhận. William Butler Yeat đã bổ sung rằng: "Hạnh phúc không phải là đức tính hay niềm vui, không phải cái cũng chẳng phải cái kia. Chúng ta hạnh phúc khi phát triển, trưởng thành".
Những năm qua đã có rất nhiều biện pháp được nghiên cứu, áp dụng nhằm thúc đẩy động cơ bên trong mỗi con người, tất cả đều nhằm mục đích là tạo ra hiệu suất cao hơn. Trong đó có hai phương pháp tỏ ra có hiệu quả đáng kể là công trình nghiên cứu do Frederick Herzberg, giáo sư xuất sắc của trường Đại học Utah, người đã viết cuốn sách "Công việc và Bản chất con người". Phát hiện của Herzberg về cái ông gọi là động cơ và các yếu tố duy trì đã đưa ra một biện pháp rất hấp dẫn, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về những điều cần thiết để thúc đẩy nhân viên liên tục tích cực làm việc.
Phương pháp thứ hai là Vòng chất lượng dành cho việc quản lý nhân sự, một phương pháp do W. Edward Deming, một kỹ sư người Mỹ, đưa ra vào cuối những năm 40. Deming truyền bá rộng rãi trên khắp nước Nhật sau thế chiến lần thứ hai về cách quản lý có hiệu quả. Ông nhấn mạnh đến vấn đề công nhân sản xuất và giám đốc phải kết hợp làm việc với nhau để luôn luôn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao. Người Nhật đã kết hợp tư tưởng của Deming với tín ngưỡng dân tộc của mình. Các ông chủ chia nhân viên vào những nhóm nhỏ để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc. Một điều cơ bản họ phải thừa nhận là công nhân sản xuất chính là những người có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh xuất sắc nhất, và ban giám đốc phải là người biết tác động vào tiềm năng nếu muốn đạt được mục đích, chất lượng và hiệu quả cao.
Nguồn - Hãy nghĩ như người thành đạt