Một hôm chú hề của triều đình bỗng nảy sinh niềm khao khát về một cuộc sống khá giả hơn. Chú muốn giàu có, muốn những chuyến du lịch hấp dẫn, muốn cuộc sống xa hoa, vương giả. Nhưng trước hết chú muốn có sự tôn kính. Suốt đời chú lúc nào người ta cũng chỉ vào chú và nói: "Nhìn kìa, chú hề đến rồi". Trong tương lai mọi người phải biết kính trọng ta chứ.
Thế là chú đã thỉnh cầu Đức vua. Ngài nói:"Này chú hề, nhiều năm rồi chú đã mang niềm vui đến cho ta. Vì vậy ta sẽ đáp ứng ý nguyện của chú. Và ta ban cho ngươi một tài sản đáng giá".
Lập tức chú hề bắt đầu thưởng ngoạn hạnh phúc mới của mình. Chú sống trong một toà nhà bề thế, ăn những thức ăn quý hiếm. Tuy nhiên chú phát hiện ra rằng những người xung quanh cũng chỉ vờ vịt kính nể chú thôi. Đối với họ chú vẫn mãi là một thằng hề dù có trở nên giàu có. Ngoài ra chú tiêu xài số tài sản của mình thật chóng vánh.
Chú đem việc mình trình bày với nhà thông thái của Đức vua. Ông ta lắc đầu mỉm cười rồi chỉ vào một chiếc cốc và bình rượu vang mà rằng: "Ta không thể đổ hết chỗ vang này vào cốc kia. Chiếc cốc thì quá nhỏ. Cũng giống như bản thân chú quá bé nhỏ đối với ước nguyện của chú. Hoàng thượng đã ban cho chú sự giàu có, nhưng con người chú không đủ bản lĩnh để sở hữu nó".
HẾT BÀI NÀY ĐẾN BÀI KHÁC
Khi ta muốn mọi điều sẽ tốt đẹp hơn lên, thì trước hết chúng ta phải trở lên tốt đẹp hơn đã. Tất cả chúng ta đều biết có những người trông mong vào lúc hoàn cảnh được cải thiện hơn, để giúp họ trở lên thành đạt, hoặc ít ra để có thể "khởi đầu".
Thực tế hoàn cảnh cố hữu cứ dai dẳng đeo bám lấy họ chừng nào họ còn quá "bé nhỏ" để chiếm lĩnh những "hoàn cảnh thuận lợi" trong cuộc sống. Để cho hoàn cảnh có thể đổi thay thì trước hết con người phải đổi thay. Cũng như ở trong nhà trường, chúng ta bắt đầu bằng lớp Một, rồi chúng ta mới lên lớp Hai, lớp Ba. Một hệ thống thông minh. Đằng sau ẩn dấu một nguyên tắc: "Khi chúng ta trở lên tốt hơn thì cuộc chơi của chúng ta cũng sẽ lớn hơn". Có người nghĩ rằng: "Hãy cho tôi 2 triệu USD thì tôi chẳng phải lo lắng gì nữa về tiền nong". Điều đó hoàn toàn sai. Bài học trước tiên là người ta phải học để làm chủ được hoàn cảnh hiện tại. Đầu tiên, chúng ta học cách dành dụm và tiêu pha 1000 USD đã. Rồi 10.000 USD và hơn nữa. Chúng ta rèn luyện mình không phải bằng cách trông chờ vào hoàn cảnh tốt hơn, mà bằng cách phấn đấu đạt được cái gì tốt nhất từ những cái hiện hữu.
Thường là ít hiệu quả nếu ta tự hỏi rằng liệu mình "đủ mạnh" để làm một việc nhất định nào đấy. Chỉ khi nhập cuộc chúng ta mới có thể thành người có khả năng hoàn thành công việc đó thắng lợi. Nếu như bạn "đủ mạnh" cho một nhiệm vụ mới thì có khi nhiệm vụ này trở nên dễ dàng, đối với nó bạn sẽ không thể trưởng thành hơn.
CHÚNG TA THÀNH DANH BẰNG NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA MÌNH
Bạn hãy nghĩ tới một nhân vật thành đạt thì chắc bạn càng nghĩ luôn tới thành quả đã làm cho họ nổi tiếng.
Einstein có tên tuổi nhờ những lý thuyết của ông trong lĩnh vực vật lý.
Beckenbauer nhờ những thành tích trong bóng đá. Gandhi nhờ công cuộc giải phóng đất nước Ấn Độ.
Bất luận bạn nhớ tới một nhân vật nổi tiếng nào, họ đều thành công trước khi thành danh. Một trong những con đường có hiệu quả nhất để hoàn thiện mình là trưởng thành chính bằng những công việc của mình. Vì vậy, những ai mong muốn có cuộc sống tươi đẹp hơn thì cần phải nhanh chóng bắt đầu làm việc tích cực. Ban đầu chúng ta sẽ không thể làm đúng tất cả. Nhưng điều ấy không có gì nguy hại, nếu chúng ta luôn tích cực làm việc và không nản lòng. Quả thật thắng lợi làm chúng ta giàu có hơn, song thất bại lại làm chúng ta trưởng thành.
NĂM BÀI HỌC CỦA NGƯỜI GIEO HẠT
Người gieo hạt đã chăm chỉ vãi xuống những hạt giống của mình. Nhưng không phải tất cả đều nẩy mầm. Một ít bị chim ăn, một số khác chết vì khô hạn, và một số khác bị thối vì bị gai châm. Từ đấy chúng ta rút ra được 5 bài học:
1. Không phải tất cả hạt giống đều nảy mầm. Chúng ta phải gieo nhiều, vì chúng ta không có được tất cả. Chúng ta không được đặt hy vọng vào một hạt duy nhất nào.
2. Chúng ta không nên tập trung chính vào kẻ thù, mà vào công việc của chúng ta. Những ai chỉ lo tiêu diệt kẻ thù hầu như sẽ không bao giờ đoạt được mục đích của mình. Bạn hãy nghĩ xem: người thành công luôn có nhiều kẻ thù. Sự thật đó bày ra trong thiên nhiên: chim chóc và gai góc thì lúc nào cũng có. Người gieo hạt thông minh cứ tiếp tục công việc của mình.
3. Trước tiên chúng ta phải mang những hạt giống tốt nhất ra để gieo trồng, có như vậy chúng ta mới mong gặt hái. Sự trả công đi sau công việc. Sự cố gắng đều được đền đáp. Ta thường thấy có người tìm cách đảo ngược quy luật tự nhiên này.
4. Chúng ta cần kiên nhẫn. Sự trưởng thành cần thời gian. Hai ngày sau khi gieo hạt chúng ta chưa thể gặt hái. Một mình lao động chưa đủ. Chỉ có kết hợp với lòng kiên nhẫn mới đưa lại kết quả.
5. Chúng ta gặt hái những gì chúng ta đã gieo trồng. Hạt giống xấu tốt đều theo ta đi suốt cuộc đời. Chúng ta chỉ cần thận trọng chọn lựa những hạt mà khi gieo chúng có thể nẩy mầm.
SÁU RÀO CẢN CỦA SỰ THÀNH CÔNG
Tại sao có ít người thành đạt? Có phải là do vận may không khi nào đến với họ. Có sáu rào cản có thể bóp chết mọi thành công ngay khi còn trong trứng nước. Đấy cũng là nguyên nhân tạo sao không bao giờ có thể tạo dựng cho mọi người có điều kiện sống như nhau. Ở đây liên quan đến những quá trình xảy ra trong từng con người. Những quá trình mà khách quan hầu như không thể tác động tới.
1. Sự kiêu ngạo
Bạn có từng quen biết những người ở đâu cũng thích giáo huấn mà ít thích học hỏi? Gớt đã từng nhận xét: "Hầu hết mọi người đều muốn thể hiện mình, ít người muốn rèn luyện mình". Muốn trưởng thành hãy làm học trò.
2. Sự ngu dốt
Không hiểu từ đâu mà nhiều người không bao giờ sẵn sàng tự giác, khách quan để thể nghiệm một cái gì đó mới mẻ.
3. Sự ba hoa
Chúng ta thường quá tự trọng và đề cao phẩm giá của mình. Công sức bị tiêu phí để làm "đẹp mã", thay vì tập trung cho công việc. Ngoài ra một sự ba hoa thái quá không bao giờ là dấu hiệu của sự thông minh có sức thuyết phục.
4. Sự sợ hãi
Sợ hãi thường sinh ra do ta hình dung ra những điều xấu có thể xảy ra. Thế rồi chúng ta bị cuốn hút vào chính những điều mà ta không muốn xảy ra. Hình ảnh này cứ ám ảnh ta đến mức ta nghĩ rằng nó rất dễ trở thành hiện thực.
5. Thiếu tự tin
Ta tin rằng mình chưa đủ mạnh. Thiếu tự tin luôn xuất hiện khi chúng ta so sánh mình với những người khác, mà nhẽ ra hãy tự nhìn nhận sức mạnh của mình. Chúng ta phải biết tạo dựng lòng tự tin một cách hệ thống, ví dụ bằng cách ghi chép lại tất cả những thành công của mình.
6. Lầm lỡ
Nhiều người đã không sống chính cuộc sống mà mình mong ước, vì họ bị những người ích kỷ xô đẩy, kích động bằng những lời xúi bẩy khéo léo. Khi chúng ta khẳng định được một "điều thiện" phải làm trong cuộc sống chúng ta, là lúc chúng ta xua đuổi đi những ý nghĩ tội lỗi.
Tất cả những trở ngại trên được bàn tới trong cuốn sách này. Nhưng chỉ có lao động nghiêm túc thì chưa phải đảm bảo cho mọi thành công.
BỐN KHẢ NĂNG TRONG LAO ĐỘNG
Ở mỗi công việc chúng ta có thể phân biệt giữa việc "đúng" và việc "sai". Việc "đúng" đối với bạn là một công việc có ý nghĩa khi nó đáp ứng được 3 điều kiện sau:
- Thứ nhất nó làm cho bạn yêu thích.
- Thứ hai phù hợp với năng lực và tài năng của bạn
- Thứ ba với công việc đó bạn có thể đóng góp cho xã hội và kiếm đủ tiền.
Tuỳ theo công việc đúng hoặc sai mà chúng ta có thể thực hiện nó với một quan điểm đúng và sai. Trong đó sáu rào cản đã nói ở trên đóng một vai trò rất lớn. Mời bạn hãy suy nghĩ xem, cách mô tả nào trong 4 trường hợp sau đây là hình ảnh của bạn hiện tại:
- Ta đang làm sai công việc với quan điểm sai.
Kết quả của một chiến lược như vậy là một thảm hoạ. Cuộc đời sẽ vô nghĩa và buồn tẻ.
- Ta đang làm sai công việc nhưng có quan điểm đúng.
Trong trường hợp này thực ra chúng ta có thể đạt được ít nhiều mục tiêu. Nhưng chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian và công sức, vì chúng ta phải chịu đựng nhiều đòn tập hậu.
- Ta đang làm đúng công việc nhưng với quan điểm sai.
Như vậy chúng ta sẽ đạt đựơc một vài thành công nhỏ nhưng mục tiêu cuối cùng sẽ khiếm khuyết.
- Ta đang làm đúng công việc lại có quan điểm đúng.
Chỉ trong trường hợp này chúng ta sẽ rất nhanh chóng đạt được kết quả ta mong muốn.
Cách mô tả này thật là đơn giản nhưng cũng rất chuẩn xác. Bạn có thể mau lẹ tự mình giám định bạn đã làm đúng việc chưa? Nghĩa là: bạn có đang làm việc trong một lĩnh vực mà bạn đam mê và phù hợp với tài năng của bạn. Và bạn đang làm việc với quan điểm đúng chưa? Nếu bạn không làm đúng việc nhưng có quan điểm đúng thì bạn suy nghĩ thế nào, cái gì bạn có thể thay đổi. Giả thuyết rằng bạn không để cho sáu rào cản (kiêu ngạo - ngu dốt - ba hoa - sợ hãi - tự ti - lầm lỗi) ngăn trở.
Nhiều người thường than vãn, oán trách. Họ nói tới sự không công bằng, trong khi họ làm sai công việc lại có quan điểm sai trái.
Như vậy họ muốn gặt hái cái mà họ không hề gieo trồng. Họ coi thường quy luật tự nhiên. Người thành đạt không lãng phí thời gian, vì họ biết đón thời cơ. Họ cũng không lãng phí công sức vì họ biết tìm cách thay đổi công việc, những công việc mà họ không phát huy được. Họ không mất công đi tìm lời bào chữa. Họ biết rằng hoàn cảnh của họ sẽ tự động biến đổi theo hướng tích cực, nếu họ hết mình vì một công việc tốt đẹp.
Richard Bach từng nói: "Khi chúng ta bắt đầu cuộc đời, mỗi người chúng ta nhận được một phiến cẩm thạch cùng những dụng cụ cần thiết để gia công phiến đã này. Chúng ta có thể mang nó đi suốt cuộc đời mà không hề đẽo gọt, chúng ta cũng có thể biến nó thành sỏi đá hoặc có thể mang lại cho nó một hình hài rực rỡ". Trở nên hạnh phúc và thành đạt là quyền sống của chúng ta. Nhưng chúng ta không được phép để cho sáu kẻ thù của thành công ngăn bước chúng ta.
Những ham muốn cá nhân không thể làm lu mờ ý nghĩa, làm mai một khả năng và chi phối công việc chúng ta. Trên tất cả là sự thành nhân bằng những thành quả của chúng ta. Không có gì có thể chiếm lĩnh được vị trí của sự lao động gian khổ hướng tới mục tiêu của chúng ta. Người thành đạt ý thức được rằng: Tài năng của họ vun đắp cho hỻ một vị trí xứng đáng trên hành tinh này.
Thực hành:
Vì tôi muốn trở thành một nhân cách lớn hơn, tôi muốn trưởng thành, bằng cách hạ quyết tâm thực hiện các bước dưới đây:
1. Tôi xem công việc cùng công ty của mình như là phương tiện chở tôi đến một nhân vật thành đạt và những hoàn cảnh khá hơn. Vì vậy tôi làm việc nỗ lực và phấn chấn. Tôi sẽ làm tất cả để có tên tuổi bằng thành quả của mình.
2. Tôi không muốn lặp lại khuyết điểm của tôi và muốn rút ra bài học từ những khuyết điểm ấy. Vì vậy tôi sẽ mở "sổ tay kiến thức". Tôi ghi chép lại tất cả những gì tôi có thể học tập từ những khuyết điểm của bản thân và của những người khác.
3. Tôi đọc những sách vở giúp tôi trưởng thành trong nhân cách. Tôi thay thời gian xem truyền hình thành thời gian đọc sách và đọc ít nhất một giờ cho một cuốn.
4. Tôi biết trên đường tôi đi sẽ trải qua những lúc thất vọng. Trong tình huống như vậy tôi cần một sự khích lệ. Sự khích lệ xuất hiện từ một nhãn quan trong sáng và lòng tự trọng. Sự khích lệ này không có người nào khác có thể mang lại cho tôi. Tôi trả lời câu hỏi sau bằng bút mực: "Ai là người có lợi, khi tôi đã đạt được mục tiêu hấp dẫn".
5.Nhất định hôm nay tôi phải viết vào "sổ tay thành công" năm việc mà tôi đã thành công tốt đẹp.
Nguồn - Bí quyết để thành đạt.