Cứ cho rằng tại một thời điểm nào đấy trong cuộc đời chúng ta đã quyết định hẳn hoi chọn một trong hai lối sống. Trong thực tiễn chúng ta lại luôn phải khẳng định lại điều đó.
Chúng ta phải luôn tìm cách vượt lên chính mình, để đọc sách, để viết báo, dự hội thảo và giao tiếp với những người ta có thể học hỏi.
Có hai nguyên nhân chíh làm cho người ta ngưng học tập và tiến bộ: nguyên nhân thứ nhất cho rằng chẳng thể nào khá hơn được.Chúng ta luôn có thể học hỏi và tiến bộ thêm nữa. David Bowie nói rằng:" Tại cái ngày mà bạn nghĩ rằng: mình chẳng thể nào khá hơn được là lúc bạn bắt đầu ca hát, cho dù chỉ là những " bài ca đi cùng năm tháng".
Nguyên nhân thứ hai là sự lãnh đạm, hờ hững. Nhiều người ngả theo chiều hướng này, vì xem ra nó có vẻ vô thưởng vô phạt. Nhưng thực ra nếu chúng ta ngừng học tập và trưởng thành thì chúng ta không tránh khỏi sự sa sút tới mức tầm thường trong lối sống, trong cách ứng xử. Thật nguy hểm khi ta chấp nhận: " Tồi một chút cũng chẳng sao"
CẠM BẪY CỦA CHÚ ẾCH
Điều gì xảy ra khi ta ném một chú ếch thông minh vào chậu nước nóng? Nó quyết định ngay: " ở đây khó chịu quá, ta phải chuồn thôi." Thế là chú nhảy ra. Nhưng nếu ta đặt cũng chú ếch ấy vào nồi nước lạnh và để lên bếp rồi đun nóng dần. Điều gì sẽ xảy ra. Chú ếch nằm thư giãn, cảm thấy có nóng lên thực sự, song chú nghĩ: "Nóng một chút cũng chẳng sao!". Chẳng bao lâu sau chú đã bị luộc chín.
Về đạo đức: nhiều điều xảy ra rất từ từ trong cuộc sống. Ví dụ như việc nợ nần. Nếu một sáng khi tỉnh giấc, bạn chợt nhớ rằng mình còn món nợ 68.000USD, lúc bấy giờ bạn có thể yên tâm được không? Tất nhiên là không. Nhưng nếu như mọi việc cứ từ từ mà đến, nay nợ 9USD, ngày mai nợ 14USD, chuyện vặt!... Cứ như vậy mà ta quen dần, không quan tâm đến nó nữa. Nhưng mọi việc trên đời này đều có thể làm một con tính cộng. Đến một lúc nào đấy bạn có thể chẳng còn trốn chạy nợ nần được nữa hoặc ăn ngủ chẳng yên với nó.
Nếu một hôm bạn biết mình tăng 30kg, chắc rằng bạn rất lo lắng. Ngược lại, chẳng hề chi, nếu tháng này ta lên một cân, tháng sau thêm một cân nữa, rồi ta lại quen đi, chẳng để ý gì đến vấn đề tăng cân nữa.
Trường hợp cạm bẫy của chú ếch cảnh báo chúng ta chớ coi thường những điều nhỏ nhặt. Vì tất cả những điều vặt vãnh " tích tiểu thành đại" đều có thể đưa ta tới gần mục đích hoặc ngược lại dần đưa ta xa rời nó. Ở đây không có giải pháp "dung hoà". Vì vậy chúng ta phải luôn tự hỏi " Mình đang đi theo hướng nào đây?"
SỰ SO SÁNH DÀI HƠI
Hình như chẳng có vấn đề gì, dù hôm nay ta ăn một quả táo hoặc một thanh sôcôla, đọc một cuốn sách hay hoặc xem một vở kịch "vô thưởng vô phạt" trên tivi, dù hôm nay ta tiết kiệm được 10 USD hay đã tiêu pha mất 10 USD. Nhưng sau 10 năm ta sẽ thấy rõ sự khác biệt rõ rệt. Sôcôla, kịch "lá cải" và tiêu pha dẫn tới béo phì, tính hời hợt và sự nghèo túng. Hoa quả, sách hay và sự tiết kiệm sẽ đưa đến sức khoẻ, hiểu biết và sự sung túc.
Chẳng ai dám kỳ vọng rằng mọi quyết định của mình đều là những quyết định thông minh. Nhưng cuộc đời lại là tổng số của tất cả những quyết định của chúng ta. Một người bố muốn được làm việc yên tĩnh, đã tìm cho cậu con một việc gì đó để cậu bận rộn chốc lát.Vì vậy, ông ta đã xé một bản đồ thế giới, tìm thấy trong một quyển tạp chí ra làm nhiều mảnh nhỏ. Rồi ông yêu cầu cậu bé lắp ghép lại chiếc bản đồ. Cậu bé quay lại chỉ sau ít phút với với tầm bản đồ được lắp ghép chính xác trước sự ngạc nhiên của ông bố.
Người bố không sao tin được, làm thế nào mà con ông hoàn thành việc đó một cách chóng vánh như thế. Cậu bé giải thích: " Mặt sau của tấm bản đồ là bức chân dung của một người đàn ông. Nó thật là dễ lắp ghép. Con đã nghĩ rằng: nếu ông ta hoàn hảo thì thế giới tất cũng phải hoàn hảo".
Đấy là vấn đề cốt lõi của ý tưởng "luôn học tập và trưởng thành". Chúng ta đồng ý với nhau rằng mọi quyết định của chúng ta dù lớn dù nhỏ đều xác định tương lai của chúng ta sẽ như thế nào. Nếu chúng ta tốt đẹp thì thế giới của chúng ta cũng tươi đẹp.
HUẤN LUYỆN VIÊN PAT RILEY
Người huấn luyện viên thành đạt nhất trong lịch sử bóng rổ nước Mỹ là Pat Riley. Các cầu thủ của ông ở Ló Angeles vào năm 1986 đã tin chắc rằng ông không thể tiến xa hơn được nữa.
Lúc ấy ông động viên họ hãy cố gắng thêm 1% nữa thôi. Một phần trăm xem ra quá ít ỏi và buồn cười. Nhưng Riley đã làm con tính cho họ: nếu 12 cầu thủ tìm cách nâng cao năng lực của mình trong năm lĩnh vực bóng rổ thêm 1% thì toàn bộ sẽ chơi hiệu quả hơn 60%. Ông còn giải thích cho cầu thủ: có thể chỉ cần 10% cũng đủ để đạt cúp. Một phần trăm rất có thể đạt được dễ dàng hơn. Cứ như vậy các cầu thủ đã cố gắng và họ đoạt chức vô địch không mấy khó khăn. Giả sử rằng bạn quyết định cải thiện thêm 1% trong năm lĩnh vực của cuộc sống, đó là sức khỏe - mối quan hệ - tài chính - sự nhạy cảm và công việc. Nếu tháng nào bạn cũng làm như vậy thì chỉ sau một năm bạn đã biến mình thành con người hoạt động 60% hiệu quả hơn năm ngoái.
TÁC DỤNG TƯƠNG HỖ GIỮA HỌC TẠP VÀ TRƯỞNG THÀNH
Từ đâu mà người ta đặt ra nguyên tắc: luôn học hỏi và trưởng thành. Câu trả lời có thể làm bạn ngỡ ngàng: chúng ta cần một loại thần dược. Bí quyết của thần dược là ở chỗ nào?
Liều thuốc thần dược này chính là môi trường quanh ta, nó tác động lên bạn thường là vô thức. Nó thúc đẩy chúng ta đưa ra các quyết định hàng ngày. Nó cũng là sách vở, cái chúng ta đọc, bài vở mà chúng ta viết và những cuộc hội thảo chúng ta tham dự.
Trước mọi khó khăn, chúng ta cần sự giúp đỡ. Những thần tượng mà chúng ta ngưỡng mộ, noi theo nằm trong sách vở, báo chí mà ta tâm đắc, đã giúp chúng ta thấu hiểu bản thân chúng ta và cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta rút ra bài học từ những lầm lỡ và kiến tạo lòng tự tin. Rồi những cuộc hội thảo, toạ đàm giúp chúng ta cọ xát, giao lưu và chỉ cho ta những nẻo đường mới.
Càng học hỏi và trưởng thành ta càng cảm thấy bức xúc phải học hỏi và trưởng thành.Nó trở thành bản chất của chúng ta từ lúc nào không hay biết. Học hỏi và trưởng thành có tác dụng tương hỗ là ở chỗ đó.
Người thành đạt hay tò mò. Họ muốn tìm hiểu các nhân vật mà họ muốn trở thành, mà họ coi là thần tượng. Người thành đạt tận dụng lời khen ngợi lẫn ý kiến khiển trách để luôn học hỏi và trưởng thành. Qua đấy họ tìm thấy được sự ứng xử đúng đắn. Họ tiếp nhận lời khen, nhưng không tự mãn, họ lo lắng trước những lời khiển trách, nhưng không tới mức bi quan, thất vọng.
Ai không trả lời được trong cuộc vấn đáp, thì không có cơ hội đi tiếp vào vòng trong. Cuộc sống cũng tương tự như vậy. Đối với những người thành đạt "luôn học tập và trưởng thành" có nghĩa: cứ mỗi năm họ lột xác dần con người xưa cũ của họ và tiếp cận dần tới những thần tượng của mình.
Thực hành
Hôm nay tôi sẽ củng cố thói quen của mình, luôn học tập và trưởng thành, bằng cách hạ quyết tâm thực hiện các bước sau đây:
1. Dự kiến đọc ít nhất hai cuốn sách hay mỗi tháng. Dần dần tôi sẽ đọc một đến hai cuốn mỗi tuần.
2. Tôi cân nhắc xem những hội thảo nào mình có thể tham dự.
3. Bên cạnh ký sự thành đạt sẽ để thêm 2 tập ký sự khác:
Một ký sự nhận thức: ở đây tôi ghi chép tất cả mọi sai lầm và những bài học rút ra từ đấy.
Một ký sự ý tưởng: trong đó ghi lại tất cả ý tưởng của tôi.
4. Tôi liệt kê một danh sách gồm 10 nhân vật tôi rất thích tìm hiểu để học hỏi nơi họ.
5. Quyết tâm mỗi ngày đọc một chương trong cuốn sách này.
Nguồn - Bí quyết để thành đạt.