
Hành động có trách nhiệm
Nhân tố đem lại thành công thứ tư là hành động có trách nhiệm. Bạn phải suy nghĩ có trách nhiệm nếu bạn muốn thành công! Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm" - Winston Churchill (1874-1965).
Denis Waitley dạy rằng cuộc sống là một dự án "tự mình làm lấy", phần thưởng của cuộc sống tỉ lệ thuận với đóng góp bạn bỏ ra. Triết lý này lại một lần nữa thể hiện tinh thần của luật nhân quả. Chúng ta biết rằng mọi kết quả trong cuộc sống hôm nay đều được tạo ra bởi nguyên nhân trước đó - như bản thân bạn. Con người bạn ngày hôm nay là kết quả của toàn bộ ý nghĩ bạn đã có. Con người bạn ngày mai sẽ làm kết quả của những ý nghĩ bạn hiện đang mang trong đầu. Chính bạn là một sức mạnh năng động ẩn giấu đằng sau sự tồn tại của mình.
Jenning Bryan (1860-1925), một chính khách, nhà hùng biện và nhà cải cách của Mỹ đã từng nhận xét: "Số phận không phải là điều may rủi, nó là sự lựa chọn. Không phải là cái để đợi chờ mà phải giành lấy".
Người ta thường nhận trách nhiệm về mình khi mọi việc trôi chảy tốt đẹp và quên mất nó khi công việc trở nên khó khăn. Nếu việc ở công sở không được như ý, đó là lỗi của xếp, không hài lòng với công việc ở nhà, bạn trách cứ vợ. Nếu được điểm "D" môn lịch sử thì do giáo viên không ưa bạn. Nhưng kiểu suy nghĩ như thế chẳng đi đến đâu cả. Bạn không bao giờ hy vọng có thể làm tốt hơn những việc làm đúng và sửa chữa những sai lầm đã mắc phải nếu chỉ chú ý đến việc đổ lỗi cho những người bạn nghĩ là chống lại mình.
Bạn cần nghiên cứu kỹ "nguyên nhân" nhiều hơn "kết quả" bởi vì chúng chứa đựng tiềm năng cho sự phát triển và những thay đổi lớn. Luôn luôn phải xem xét cái gì đi trước, theo sau nó là gì. Những người thành công luôn chấp nhận cả niềm tin và trách nhiệm đối với bất cứ điều gì xảy ra với họ.
Giữa trách nhiệm và mức độ tự chủ có mối quan hệ trực tiếp. Người thành công chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về những gì họ nghĩ, họ nói, họ làm. Bởi thế họ có thể điều khiển được những phương diện đó trong cuộc sống. Người thất bại luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc nguyên nhân khác. Bởi vì họ không có khả năng điều khiển được con người và sự việc xung quanh mình. Họ cứ để mọi sự cuốn theo chiều gió và chịu ảnh hưởng của các cơ hội, tình huống xảy ra trên đường đời.
Đặc điểm nổi bật nhất của những người thành công, chín chắn là việc chịu trách nhiệm về mọi mặt của cuộc sống. Rất nhiều người không thấu hiểu được là nhận 100% trách nhiệm về mọi vấn đề là cách duy nhất để học hỏi, trưởng thành và tiến bộ trong cuộc sống.
Không gánh lấy trách nhiệm tức là đổ lỗi cho người khác, biện hộ cho mình và hạ thấp mọi thứ xung quanh mình do đó cũng hạ thấp mình. Bạn không thể hy vọng đạt được điều gì cao cả nếu bạn là người hay chỉ trích, chỉ nhìm thấy sự cay đắng và phải chịu những buồn phiền do những hành vi thiếu trách nhiệm đem lại.
MỌI THỨ ĐỀU CÓ GIÁ CỦA NÓ
Nếu dành một chút thời gian để suy nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy luật nhân quả không cho không cái gì. Bạn luôn phải trả giá cho mọi thứ bạn nhận. Bạn phải xác định được mình muốn gì và cái giá phải trả sẽ như thế nào rồi chấp nhận trả giá, nhiều khi còn phải trả nhiều hơn giá đã xác định vì có lúc bạn sẽ nhận được nhiều hơn điều mong muốn. Gieo nhân nào thì hái quả ấy.
Bạn đã bao giờ thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc thi Marathon bằng cách đi xe điện ngầm chưa?
Bạn đã bao giờ thực sự mong muốn mua một chiếc xe hơi sang trọng bằng tiền giả chưa?
Bạn có bao giờ thực sự muốn giành chức chủ tịch công ty bằng cách bắn chết hết các phó chủ tịch khác?
Đã có lúc những người vô trách nhiệm suy nghĩ như vậy. Có thể bằng những hành động như thế bạn được thoả mãn mong muốn ngay lập tức nhưng nó chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Về lâu dài, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả của luật nhân quả bởi vì bạn đã phạm luật. Xin có lời khuyên là không nên hành động vội vàng để thu được kết quả nhanh chóng trước mắt mà phải phân tích từng bước để giành được cái mình muốn.
Những người thất bại thường đổ lỗi cho người khác về những chuyện xảy ra với họ. Họ tin là thế giới mang nợ họ tất cả những gì tất cả những gì tốt đẹp họ muốn còn họ thì chẳng nợ nần gì ai. Do đó họ không chịu nỗ lực và có cảm giác không tự chủ được. Những người thất bại có xu hướng co lại, họ cho là sự lựa chọn của họ chỉ có giới hạn. Họ tin là số phận đã được định sẵn, họ không hy vọng tự làm được một việc gì đáng kể vì nó vượt ngoài khả năng của họ. Khi thất bại họ thường nổi cáu, gây gổ và phản ứng lại người khác. Cứ thể họ cứ phải chịu đựng kết quả do nỗ lực tương ứng của mình đem lại.
Đặc điểm của những người chiến thắng là chấp nhận toàn bộ trách nhiệm về lời nói, việc làm của mình. Nhờ đó, họ thấy tự tin và tự chủ. Họ hiểu rằng tự chủ sẽ đem đến tự do lựa chọn và nhận ra là mọi thứ đều có thể làm được nếu bằng lòng với cái giá phải trả. Chính vì lẽ đó họ thấy chân trời rộng mở, có cảm giác tích cực và cứ thế họ đạt được những kết quả xứng với nỗ lực đã bỏ ra.
Sắp xếp thời gian
Yếu tố thứ tư là phải biết phân phối thời gian. Hãy lưu ý lời khuyên của Benjamin Franklin "Bạn có yêu cuộc sống không? Nếu có thì đừng lãng phí thời gian bởi thời gian chính là cuộc sống".
Rất ít người đánh giá đúng giá trị của thời gian. Thời gian đã qua đi không thể lấy lại được nữa. Thời gian là thứ tài sản được phân chia công bằng cho tất cả mọi người không kể giàu - nghèo, nam - nữ, không phân biệt khôn ngoan sáng suốt hay khờ khạo, ngu si.
Làm chủ, khái niệm xuyên suốt nội dung cuốn sách này cũng được áp dụng cho việc quản lý thời gian. Mục đích của quản lý thời gian không phải là làm cho thời gian trở nên chặt chẽ, cứng nhắc thiếu linh hoạt mà là để thư giãn, làm cho thời gian trở nên có hiệu quả chứ không phải là hiệu suất. Điều này có nghĩa là sắp xếp thời gian để làm việc gì vào thời điểm nào cho thích hợp chứ không phải làm tốt tất cả những việc phải làm. Càng làm chủ được bao nhiêu thì càng có nhiều thời gian để làm được nhiều việc và làm việc hiệu quả bấy nhiêu.
Thực ra không có chuyện thiếu thời gian. Mọi người đều có đủ thời gian để làm được, ít ra là việc quan trọng nhất đối với mình. Bạn có thể thấy rất nhiều người trông không có vẻ bận rộn hơn bạn họ lại có thể làm được nhiều việc hơn. Vấn đề ở đây không phải là có nhiều thời gian hơn mà là việc sử dụng thời gian một cách hợp lý.
(Nguồn - "Hãy nghĩ như người thành đạt")